Trên cơ sở đó, xác định việc xây dựng xã hội học tập vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Và đây không phải là nhiệm vụ riêng của một cá nhân, một đơn vị nào mà là nhiệm vụ chung của toàn đảng, toàn dân và toàn xã hội. đồng thời nhằm tạo ra một môi trường giáo dục mà trong đó mọi người đều có cơ hội học tập như nhau để phát triển về trí tuệ, kỹ năng cũng như khả năng thích ứng với yêu cầu của xã hội; đồng thời, phát huy được tất cả mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng các thiết chế giáo dục, khuyến khích, động viên mọi người dân học tập suốt đời. UBND thị xã Phước Long đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập năm 2014 với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, trên cơ sở thực hiện tốt giáo dục chính quy theo mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2012 – 2020 đã đề ra; Kế hoạch đề ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2014 sẽ phấn đấu có 93% người trong độ tuổi từ 15-60 và 96% người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ; 75% số người biết chữ tiếp tục học tập không mù chữ trở lại; 100% các xã, phường tiếp tục củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở. trong năm có 81% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 2% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 1% có trình độ bậc 3. bên cạnh đó thị xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa cho công nhân lao động trên địa bàn. Mặc khác trong năm sẽ tiếp tục đào tạo cho 100% cán bộ cấp thị xã và 80% cán bộ, công chức cấp xã, phường đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định về nghiệp vụ; 90% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế - xã hội giúp nâng cao trình độ và khả năng công tác. Đồng thời, thị xã sẽ tiến hành đào tạo cho khoảng 40% số lao động nông thôn được tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng, nâng cao khả năng lao động, ổn định chất lượng cuộc sống và 40% công nhân lao động phải có trình độ học vấn trung học phổ thông và tăng cao tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề, phát triển khả năng sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; hàng năm, tăng dần tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia các chương trình kỹ năng sống; phấn đấu đến cuối năm có khoảng 78% học sinh, sinh viên được học tập kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục;…
Bên cạnh đó để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra như trên, thị xã đã đưa ra các giải pháp trọng tâm như: nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập; xây dựng và củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục; đa dạng hóa hình thức hoạt động, triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và tạo cơ chế phối hợp đồng bộ; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập từ thị xã đến các xã, phường; lồng ghép với các kế hoạch đề án, dự án, các chương trình mục tiêu đã và đang triển khai.
Cũng theo Kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu đã đề ra.
Minh Trang (Đài truyền thanh)
Ý kiến bạn đọc