1022

Nhìn lại 15 năm xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại thị xã Phước Long

Thứ hai - 06/07/2015 15:35 1.391 0
Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là truyền thống đạo lý của dân tộc ta đã có từ bao đời nay, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của mỗi thôn, ấp, khu phố là điều không thể thiếu trong các chế độ xã hội, giai cấp khác nhau. Mặc dù, thôn, ấp, khu phố không phải là một cấp chính quyền nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao.

Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Trong 15 năm qua, huyện Phước Long (Thị xã Phước Long) đã triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Ngay từ những năm 1999, 2000 UBND huyện (nay là UBND thị xã Phước Long) đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan UBMTTQ tổ chức họp quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đối với huyện Phước Long cũ có 182/182 khu phố, thôn, ấp trên địa bàn đã xây dựng xong hương ước, quy ước và được cấp trên phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên do kinh nghiệm còn hạn chế nên nội dung và hình thức của một số văn bản hương ước, quy ước còn có những sai sót nhất định; việc triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; đặc biệt là nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư chưa đúng mức. Vì thế các văn bản này chưa tạo ra được động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Từ khi thị xã Phước Long được thành lập thì việc triển khai xây dựng hương ước, quy ước của khu phố, thôn, ấp được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm hơn nên chất lượng của các bản hương ước, quy ước được nâng lên rõ rệt. Có 42/42 khu dân cư, thôn, ấp trên địa bàn thị xã đã xây dựng hương ước, quy ước được UBND thị xã phê duyệt (đến nay có 33 hương ước theo mẫu cũ năm 2009 và 09 hương ước, quy ước theo mẫu mới năm 2013).

Nhìn chung 15 năm qua, UBND thị xã Phước Long đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của thị xã và các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thị xã và đã thu được kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá mới, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân... phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực của đời sống văn hóa. Cụ thể:

Một là, góp phần xoá đói, giảm nghèo tại địa phương:

Sau khi được phê duyệt, hương ước, quy ước đã thúc đẩy được phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo như: phong trào giúp nhau xóa đó giảm nghèo; Xóa nhà tranh tre; hũ gạo tình thương; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; chăm lo cho các đối tượng chính sách được triển khai thực hiện có hiệu quả... Bên cạnh đó, còn vận động nhân dân đóng góp xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp Hội trường khu phố, thôn, ấp khang trang, sạch đẹp hơn như phường Long Thủy, Thác Mơ..; đầu tư đường điện chiếu sáng công cộng như xã Phước Tín, xã Long Giang, phường Thác Mơ..

Hai là, góp phần giữ vững Trật tự an toàn xã hội:

Hương ước, quy ước của các thôn, ấp, khu phố đã đề ra được các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự trị an và an toàn xã hội tại địa phương; phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hương ước, quy ước còn giáo dục mọi người trong cộng đồng có ý thức bảo vệ tài sản của nhà nước, tập thể, tài sản riêng của công dân, bảo vệ môi trường, công trình công cộng. Nhiều tổ chức đoàn thể tại xã, phường đã thành lập được các mô hình hoạt động có hiệu quả tại khu dân cư như: tuyến đường tự quản, tuyến đường không rác, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình… Ngoài ra, hương ước, quy ước còn đóng vai trò quan trọng trong công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần giải quyết những mâu thuẫn xích mích, bảo đảm đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị” tiếp tục đẩy mạnh triển khai, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Các hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ. Đặc biệt đối với xã, phường giáp ranh với rừng đặc dụng di tích bà Rá còn đưa thêm nội dung bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước.

Ba là, Hương ước, quy ước góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hoá tại cơ sở:

Hầu hết các đám cưới, đám tang, mừng thọ được tổ chức trang trọng và tiết kiệm không phô trương, hình thức, không ăn uống linh đình dài ngày, đặc biệt đã loại bỏ các phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu như cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyệt thống. Kết hôn đúng độ tuổi, đăng ký kết hôn đúng quy định.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang cũng được đánh giá là có chuyển biến tích cực, loại bỏ hủ tục như: gọi hồn, yểm bùa, không để người chết quá 48 giờ, chôn người chết trong vườn, không rải giấy tiền, vàng mã…

Việc tổ chức lễ hội của nhân dân địa phương đều chấp hành nghiêm quy chế lễ hội theo Quyết định 39/2001/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hoá Thông tin. Các lễ hội diễn ra hàng năm đã thực sự góp phần giáo dục truyền thống, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hoá, đồng thời tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, là nơi hướng tới các giá trị nhân văn, là nơi giao lưu, trao đổi và hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân trong thị xã, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc. Tại các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội có nội dung phong phú, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng lễ hội, từng địa phương, các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, bói toán, bốc thẻ, lên đồng, cờ bạc trá hình sát phạt đều được xử lý kịp thời.

Hàng năm tỷ lệ đăng ký gia đình văn hóa đều tăng, phong trào thể dục thể thao được đông đảo quần chúng tham gia. 100% xã, phường có điểm vui chơi, hoạt động văn hóa cộng đồng và có đội bóng đá, bóng chuyền, số người thường xuyên tham gia luyện tập thể dục thể thao ngày càng tăng, góp phần nâng cao thể lực cũng như đảm bảo tham gia đầy đủ các phong trào thể dục thể thao trên địa bàn thị xã. Phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền được triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Bốn là, Hương ước, quy ước góp phần thực hiện tốt việc KHHGĐ:

Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ chăm sóc trẻ em đưa vào nội dung Hương ước, quy ước có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thôn, ấp khu phố tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt; có nhiều thôn ấp, khu phố nhiều năm liền không có gia đình sinh con thứ 3 trở lên; trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh theo đúng quy định, trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đến trường học tập đúng độ tuổi, khắc phục tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội thường xuyên được quan tâm, đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT-TTg ở  thị xã Phước Long việc xây dựng và thực hiện hương ước vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như:  một số hương ước, quy ước còn rập khuôn, máy móc, có những quy định đã được pháp luật điều chỉnh; việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước còn chậm, có nội dung chưa thực hiện triệt để như người chết còn để quá 48 giờ, chôn người chết trong vườn, rải vàng mã dọc đường; trong quá trình triển khai thực hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành ở khu phố, thôn, ấp.

Mười lăm năm, một chặng đường chưa đủ dài nhưng cũng không quá ngắn đối với cấp uỷ, chính quyền huyện Phước Long trước đây và thị xã Phước Long bây giờ trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Việc sử dụng hương ước, quy ước đúng mục đích, thời điểm đã đem lại những giá trị không nhỏ, góp phần giữ gìn ổn định an ninh chính trị, văn hoá, xã hội đối với cộng đồng dân cư. Hơn bao giờ hết cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thị xã cùng ra sức phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, đề án của tỉnh, thành phố và đặc biệt là thực hiện tốt các bản hương ước, quy ước của từng khu phố, thôn ấp nhằm xây dựng các khu phố, thôn ấp ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Đảng bộ thị xã Phước Long đề ra.

Tác giả: Thanh Huyền
Nguồn: UBND thị xã.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây