1022

Phước Long sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư TW (khóa IX) về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”

Thứ năm - 18/06/2015 14:11 4.812 0
Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), ngày 30/11/2005 về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”. Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Quán triệt quan điểm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của cộng đồng và mỗi người dân, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội. Cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, các cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở luôn xác định và quan tâm lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sau khi tiếp thu Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX), Thị ủy coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trên cơ sở quán triệt các yêu cầu, tầm quan trọng của Chỉ thị 54-CT/TW trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta, Huyện ủy Phước Long đã ban hành chương trình hành động số 07-CTr/HU, ngày 23/6/2006 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng gắn với công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư TW về “công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Các chương trình hành động của Huyện ủy đã xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó đã chú trọng lãnh đạo lồng ghép việc thực hiện các chương trình y tế quốc gia với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Ở Phước Long, người bị nhiễm HIV năm 2005 là 41 người, đến nay tổng số bệnh nhân nhiễm HIV là 175 người (trong đó 15 người đã chết), 7/7 xã- phường có đối tượng lây nhiễm, đối tượng lây truyền chủ yếu là do tiêm chích ma túy. Trước tình hình trên Thị ủy - UBND thị xã đã chỉ đạo ngành Y tế thị xã phối hợp cùng các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, tập trung cho các đối tượng có nguy cơ cao (nghiện ma túy, nhóm dân di cư tự do, thanh thiếu niên) nhằm cung cấp kiến thức phòng, chống lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng như: cấp phát tài liệu, tờ rơi, panô, áp-phích, mitting cổ động, phát thanh, tuyên truyền trên đài truyền thanh của thị xã cũng như các xã, phường. Đặc biệt đã thực hiện tốt chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên 7/7 xã, phường nhân ngày Quốc tế phòng chống AIDS (01/12). Đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS.

Tổ chức thực hiện giám sát phát hiện, tư vấn, xét nghiệm sàng lọc cho 2.160 phụ nữ mang thai, phát hiện 4 trường hợp dương tính đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Huy động lực lượng chính quyền, đoàn thể và nhân dân tham gia công tác tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS. 100% trạm y tế xã, phường đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào mục tiêu ưu tiên trong chương trình y tế quốc gia ở địa phương mình và có 100% trạm y tế phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và luật phòng, chống HIV/AIDS.

 Qua hơn 10 năm, việc tổ chức, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW được các cấp, các ngành từ thị xã đến cơ sở tiến hành nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai với nhiều mô hình, nhiều cách làm có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân đã làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành một hoạt động của toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận trên thì ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống HIV/AIDS; công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế; sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban ngành, đoàn thể trong thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS có lúc chưa đồng bộ.

 Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 54, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung giáo dục cho thanh, thiếu niên nhằm mục đích dự phòng sớm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn xã hội cần phải xác định: HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc; HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội của đất nước; công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và phức tạp. Huy động cộng đồng tham gia ủng hộ về tinh thần, vật chất hỗ trợ các nhóm người có HIV và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS...Với mục tiêu hạn chế giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tác giả.Thanh Huyền
Nguồn: Thị ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây