1022

Đại tá Nguyễn Thành Trung – Nhân chứng lịch sử gắn với chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Thứ sáu - 28/04/2017 16:22 1.324 0

Đại tá Nguyễn Thành Trung – Nhân chứng lịch sử gắn với chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, củng cố và tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Sáng ngày 28/4, Thị ủy, HĐND – UBND thị xã Phước Long đã long trọng tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), 131 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2017) và tiếp nhận hiện vật trưng bày tại Nhà Truyền thống thị xã.

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: đại diện lãnh đạo tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo thị xã; các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể thị xã; cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, các em học sinh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã Phước Long.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Quang Minh, Phó bí thư Thường trực Thị ủy khẳng định, để đất nước ta được hòa bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay, toàn Đảng, toàn dân toàn và quân ta đã vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Đ/c Trần Quang Minh đọc diễn văn ôn lại truyền thống
 

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử Việt Nam như những trang sử chói lọi nhất của quá trình dựng nước, giữ nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Sau khi đất nước được thống nhất, cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, Phước Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Phước.

Chúng ta luôn trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, niềm tin mạnh mẽ vào con đường mà Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt tại buổi lễ, thị xã Phước Long rất vui mừng được đón tiếp Đại tá Nguyễn Thành Trung - Anh hùng lực lượng vũ trang; Người đã trực tiếp lái chiếc máy bay F5E sau khi ném bom tại Dinh Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa và đã hạ cánh tại sân bay Phước Bình. Đây cũng là lần thứ ba, ông quay trở lại chiến trường Phước Long, lần đầu vào năm 1985, lần thứ hai nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Phước Long (06/01/1975-06/01/2005).



Toàn cảnh buổi lễ

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được nghe đại tá Nguyễn Thành Trung kể lại diễn biến sự kiện lịch sử với giọng bồi hồi: “Ngày 8-4-1975, tại sân bay Biên Hòa, chúng tôi được giao nhiệm vụ ném bom ở Phan Thiết. Suy nghĩ rất nhiều, vì đây là cơ hội tốt cho tôi làm tròn nhiệm vụ tuyệt mật mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, nhưng làm được điều này là rất khó khăn. Khi bay, mình không thể tách rời phi đội. Một mình cũng không thể lấy máy bay trong căn cứ, khởi động rồi lái ra đường băng để cất cánh... Lúc này, tôi đã có 10 giây quyết định, phải đánh lạc hướng phi đoàn trưởng, đài quan sát mặt đất để tách khỏi phi đội và quay trở lại ném bom vào Dinh Tổng thống ngụy và kho đạn Nhà Bè - là những mục tiêu đã được tổ chức chỉ định. Bởi theo quy định, khi chuẩn bị cất cánh cũng như khi bay, phi đội không trao đổi với nhau qua máy vô tuyến điện mà chỉ được ra hiệu bằng tay điều muốn nói. Chỉ riêng phi đoàn trưởng mới được trao đổi với đài chỉ huy mặt đất. Đây chính là lỗ hổng được tôi khai thác để tạo sự hiểu lầm”.


Đại tá Nguyễn Thành Trung chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân dân Phước Long

Rời khỏi sân bay Biên Hòa, chiếc F5E do Nguyễn Thành Trung lái đã mang theo 4 quả bom. Khi đang bay ở độ cao gần 2.000m ông báo về phi đội là máy bay bị trục trặc, phải quay lại. Rồi bất ngờ ông bay thẳng vào Sài Gòn. Ông trút 2 quả bom xuống góc phía ngoài Dinh. Lúc này vẫn còn 2 quả, ông vòng lại cho máy bay ném tiếp vào Dinh Tổng thống nhưng chỉ điều khiển để 1 quả nổ. Sau đó, ông quay về bắn 200 viên đạn vào kho xăng Nhà Bè. Ông làm nhiệm vụ chính là để uy hiếp chính quyền Sài Gòn. Sau này quay trở lại ông đã hỏi và được biết chỉ có 01 người bị thương

Ông nói: “Để tránh rada ông chỉ bay cách mặt đất 50m, bay cao hơn ngọn cây. Hạ cánh xuống sân bay Phước Long rất khó khăn, bởi chiếc máy bay F5E thuộc loại tiêm kích tối tân lúc bấy giờ. Nó đòi hỏi đường bay cất và hạ cánh là 3.000m, tối thiểu 2.400m, nhưng sân bay dã chiến Phước Long lúc này chỉ có đường băng 1.000m và rất ghồ ghề. Mặc dù, để chuẩn bị cho phút lịch sử này, theo đề xuất của tôi, quân giải phóng đã sửa lại sân bay Phước Long 2 tháng trước đó”…

Như vậy có thể thấy rằng với ý chí quyết tâm và lòng yêu nước của mình, ông đã làm nên một chiến công, một sự kiện làm chấn động thế giới, góp phần không nhỏ vào chiến thắng 30/4/2975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Buổi họp mặt là dịp để tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của quân và dân ta. Đồng thời phát động các phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước. Là dịp để thế hệ trẻ Phước Long ngày nay càng biết ơn và tự hào hơn về lớp thanh niên đi trước đã chiến đấu anh dũng, hi sinh gian khổ để bảo vệ nền độc lập dân tộc, càng cố gắng học tập, lao động và rèn luyện để xây dựng Phước Long giàu đẹp, văn minh.

Tác giả: Mỹ Trinh
Nguồn: Ban Tuyên giáo thị ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây