Buổi nói chuyện chuyên đề thu hút sự quan tâm của rất đông học sinh
Tại buổi sinh hoạt ngoại khóa nói chuyện chuyên đề, có hơn 800 em học sinh cùng các thầy, cô giáo của trường đã được Bác sĩ Nguyễn Thị Hoán - Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đa khoa Phước Long được Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã mời làm báo cáo viên, trao đổi 03 chuyên đề gồm: “Sức khỏe sinh sản vị thành niên”, với nội dung “tình dục an toàn và có trách nhiệm”; “Hậu quả mang thai ở tuổi vị thành niên”; “Vai trò của gia đình, nhà trường và đoàn thể xã hội trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên” cùng với hình thức trao đổi qua báo cáo viên, các em được cung cấp tờ rơi có nội dung “Hiểu biết đầy đủ để có hành động đúng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên” để các em có thêm thông tin tìm hiểu. Những nội dung thiết thực này đã được các em học sinh hào hứng đón nhận.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoán chia sẻ các kiến thức về SKSS/KHHGĐ
Thông qua buổi nói chuyện chuyên đề mỗi em học sinh đã được cung cấp các thông tin và kỹ năng cơ bản về sức khoẻ sinh sản, từ đó có nhận thức, hành vi tích cực để bảo vệ, chăm sóc bản thân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi dậy thì cũng như có trách nhiệm hơn về những quyết định của mình. Đồng thời là một tuyên truyền viên giáo dục cho các bạn cùng lứa tuổi và trong cộng đồng về sức khỏe sinh sản vị thành niên, hạn chế được số trường hợp mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, là nỗi lo không chỉ riêng ai! Gia đình và xã hội hãy: Thông cảm, chia sẻ, tôn trọng, ứng xử đúng với vị thành niên; hướng dẫn các em trong mối quan hệ xã hội; cung cấp, hỗ trợ để các em tìm hiểu những kiến thức về giới tính/tình dục và sức khỏe sinh sản nhằm giúp các em hiểu đúng về chính cơ thể của mình. Trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ sức khỏe sinh sản; tạo một môi trường bình đẳng để các em trưởng thành; người lớn cũng nên gần gũi và trở thành người bạn lớn tuổi tôn trọng, tạo niềm tin để các em có thể cởi mở giải bày tâm sự; tạo cơ hội để các em có thể tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như tiếp cận đến những dịch vụ tin cậy, an toàn.
Chăm sóc SKSS tuổi vị thành niên là một công việc phức tạp và tế nhị, vì vậy đây không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Dân số - kế hoạch hóa gia đình mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện.
Tác giả: Thu Hà
Nguồn: TTDS-KHHGĐ
Ý kiến bạn đọc