Sử dụng rượu, bia là một thói quen và là thú ẩm thực của nhiều người, nhất là nam giới. Việc thay đổi thói quen này là không dễ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng thì Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ rượu, bia ở mức cao của khu vực và thế giới. Khi có hơi men, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường bị kích thích, thường chạy xe nhanh, một số trường hợp có thể ngủ gật. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý. Bởi vậy, người say rượu, bia khi tham gia giao thông dễ gây ra lỗi nguy hiểm như chạy xe quá tốc độ quy định, vượt ẩu, đi sai phần đường, tự té gây ra tai nạn và làm cho người cùng tham gia giao thông bị vạ lây. Mặt khác các chế tài và việc kiểm soát vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông thiếu chặt chẽ nên tai họa cũng như nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông còn cao.
Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-UBATGTQG, ngày 04/12/2015 về tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, giai đoạn 2015 – 2020; UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 31/12/2015.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Bình Phước, UBND thị xã Phước Long đã bàn hành kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 22/01/2016, Kế hoạch tuyên truyền và vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, giai đoạn 2015 – 2020 với mục tiêu:
Thứ nhất, ngăn ngừa, giảm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới nhằm giảm thiểu số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông;
Thứ hai, Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; từng bước hình thành thói quen “đã uống rượi bia- không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện, xe cơ giới đường bộ;
Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước thông qua việc nâng cao trách nhiệm của các lực lượng thực thi công vụ, nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp vận tải trong thực hiện quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ;
Thứ tư, Nâng cao trách nhiệm xã hội của các tổ chức sản xuất kinh doanh rượi, bia trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và trật tự an toàn xã hội thông qua việc chủ động thực hiện quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn, cung cấp các nguồn lực cho công tác phòng chống vi phạm quy định vê nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các cơ quan văn hóa thông tin, truyền thanh, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, trong các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, trong các trung học phổ thông… bằng các tài liệu, thông điệp, băng đĩa với nội dung tuyên truyền về các quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Vận động mọi người tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán các hành vi cố ý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Cùng với công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng triển khai các đợt cao điểm kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Bổ sung lực lượng, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện, trong đó tập trung xử lý các đối tượng là người điều khiển mô tô có hành vi vi phạm. Thông qua việc xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: vi phạm tốc độ, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi lấn làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, chở hàng quá khổ, quá tải… để kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Cùng với việc áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn mới và xử lý kiên quyết đối với người vi phạm, phải hết sức coi trọng biện pháp phòng ngừa. Xây dựng và triển khai mô hình “Điểm kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông”. Những hình thức này cần được tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới./.
Tác giả.Thanh Huyền
Nguồn UBND thị xã
Ý kiến bạn đọc