Có thể khẳng định rằng thông qua sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, từng đảng viên có dịp hiến kế, đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình cho sự lãnh đạo chung của chi bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Nếu mỗi đảng viên đều có ý thức, nhận thức tốt về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự lãnh đạo tập thể của chi bộ thì chi bộ ở từng địa phương, từng cơ sở sẽ tăng cường được năng lực lãnh đạo, thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Đảng và của chi bộ. Thiết nghĩ, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của đảng viên chính là góp phần xây dựng chi bộ, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt, công tác luôn đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động. Người đảng viên tốt là người có tình thương yêu đồng chí một cách thật sự như lời Bác Hồ nói “trong Đảng phải có tình yêu thương đồng chí”. Thấy người giỏi hơn mình nên thân thiết, không tỵ hiềm ganh ghét; cần giúp người thiếu thực tế, thiếu kinh nghiệm để xây dựng sự đồng đều, hiệu quả trong công việc của đơn vị, cơ quan; đối xử, quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp phải trung thực, chân thành, tế nhị, khiêm tốn và cầu thị… Nếu mỗi đảng viên đều có suy nghĩ và thể hiện được như thế, chắc chắn chi bộ nơi đó sẽ tốt, sẽ mạnh, sẽ vui và nhất định là tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động.
Xây dựng chất lượng đội ngũ đảng viên là nội dung chủ yếu, thường xuyên, đồng thời cũng là vấn đề sống còn trong công tác xây dựng Đảng. Đảng mạnh là do chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần. Đảng viên kém, chi bộ kém sẽ làm cho Đảng yếu, không mạnh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi Nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Do vậy, việc sinh hoạt chuyên đề gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên theo Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư.
Theo đó, sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của chi bộ. Thực tiễn đã chứng minh những chi bộ trong sạch vững mạnh là những chi bộ duy trì nề nếp sinh hoạt chi bộ thường xuyên và có nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực. Thực tế cho thấy ở đâu cấp uỷ, tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, Đảng viên nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ thì ở đó tính đảng được phát huy, sức chiến đấu của Đảng được tăng cường, sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét hơn.
Một buổi họp chi ủy chuẩn bị nội dung họp chi bộ của Chi bộ VP.HĐND và UBND thị xã
Như vậy, để duy trì được nề nếp sinh hoạt Chi bộ hàng tháng thì trách nhiệm của chi ủy (nơi có chi ủy) và đ/c Bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) là vô cùng quan trọng. Bởi vì để chuẩn bị các nội dung họp chi bộ được đầy đủ, sát đúng với tình hình thực tế thì chi ủy phải họp trước để đưa ra những định hướng cũng như thống nhất nội dung sinh hoạt trong tháng đó nhằm tham mưu chi bộ bàn bạc quyết định các nội dung, nghị quyết sát đúng với từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt trong nội dung họp Chi ủy cần chú ý tới phần dự kiến phân công cho các đồng chí đảng viên chịu trách nhiệm báo cáo trước chi bộ các phần việc, các mảng công tác đã được phân công phụ trách, từ đó tạo thành thói quen, nề nếp cho đảng viên trước khi tham gia họp chi bộ phải có sự chuẩn bị nội dung cần báo cáo và các ý kiến phát biểu cũng như xin ý kiến trước chi bộ về những nội dung còn vướng mắc chưa thực hiện được. Đồng thời, chủ động sắp xếp công việc và tự kiểm điểm lại việc thực hiện nhiệm vụ mà chi bộ đã giao cho trong tháng trước đó để báo cáo chi bộ và nhận nhiệm vụ thực hiện trong tháng tới. Trong đó chú ý các nội dung trọng tâm trong cuộc họp chi bộ như:
- Một là: Phải đánh giá được tình hình tư tưởng và những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ trong tháng; tình hình đảng viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được cấp trên và chi bộ phân công.
- Hai là: Tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đảng viên, quần chúng đóng góp cho sự lãnh đạo của chi bộ cũng như vai trò tiền phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ quan và khu dân cư nơi đảng viên sinh sống để thông báo cho chi bộ biết từ đó sẽ phát huy ưu điểm, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục khuyết điểm, giải quyết kịp thời những vụ việc tiêu cực xảy ra đối với đảng viên thuộc quyền quản lý của mình.
- Ba là: Xác định nhiệm vụ của chi bộ trong tháng tới cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm gì, những nội dung cụ thể những bức xúc trước mắt; Đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng đảng viên để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt chi bộ phải bố trí thư ký để ghi chép trung thực, đầy đủ ý kiến thảo luận của đảng viên và kết luận của đồng chí chủ trì; cuối buổi họp phải thông qua biên bản hoặc Nghị quyết (nếu có) và ý kiến kết luận của đồng chí chủ trì để đảm bảo các ý kiến đóng góp được thống nhất thông qua.
Những nội dung trên đây là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Như vậy, có thể nói chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc rất lớn vào nội dung sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải phong phú, thiết thực sát với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị từ đó mới đem lại hiệu quả cao trong các nghị quyết cũng như các chỉ đạo kết luận tại cuộc họp. Do vậy, việc sinh hoạt chi bộ thường xuyên, định kỳ đầy đủ sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên theo Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư.
Tác giả: Hải Dương
Nguồn: Văn phòng HĐND & UBND thị xã
Ý kiến bạn đọc