1022

THỰC HIỆN PHONG TRÀO “CHỐNG RÁC THẢI NHỰA” TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ PHƯỚC LONG

Thứ tư - 29/05/2019 18:25 1.287 0

THỰC HIỆN PHONG TRÀO “CHỐNG RÁC THẢI NHỰA” TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ PHƯỚC LONG

Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của chính chúng ta. Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nylon mỗi ngày và hàng triệu túi nylon được người dân sử dụng thải ra môi trường hàng ngày.
Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật những năm giữa của thế kỷ 20 đã mang tới cho nhân loại nhiều sản phẩm có giá trị, trong đó có nhựa. Nhựa đã nhanh chóng đưa vào đời sống con người ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức cộng với khả năng thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích khiến chất thải nhựa tràn lan trong môi trường gây ra ô nhiễm.
Một cách xử lý chất thải mà hầu hết các địa phương hay dùng đó là thu gom tập hợp rác lại thành bãi và đốt. Chất thải nhựa nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc gây ô nhiễm không khí, tồn tại lại lâu dài trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất và nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trên địa bàn thị xã Phước Long không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải nhựa dùng một lần như: túi nilon, chai nước nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thức ăn vứt la liệt ở những địa điểm công cộng, tập trung nhiều người. Sau mỗi lễ hội, sự kiện lớn cũng tràn ngập rác trong đó túi nilong chiếm đa số.
tttm phuoc binh
Những hình ảnh không khó bắt gặp tại Trung tâm thương mại Phước Bình
Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo các cơ quan, phòng, ban của thị xã, UBND các xã, phường cần tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Ban điều hành khu phố, ấp về việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải và phế liệu trong đó chú trọng vào việc thu gom, xử lý, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường.
thu gom rac 1
Ngày Chủ nhật xanh của đoàn viên thanh niên thị xã Phước Long
Bên cạnh đó, tổ chức treo băng rôn, pano, khẩu hiệu về chủ đề “Ngày Môi trường thế giới”, giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa và nilon năm 2019 tại trụ sở cơ quan làm việc, khu phố, ấp, chỗ đông người nhằm nhắc nhở, tuyên truyền cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Thiết nghĩ mỗi người dân nên có các giải pháp cá nhân nhằm hạn chế rác thải nhựa, trước hết là bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình, bảo vệ môi trường sống xung quanh, góp phần nâng cao ý thức xã hội. Các giải pháp đó nên ưu tiên theo thứ tự: Thay thế - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.
Thay thế: Thay vì mua đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa, chúng ta thay thế bằng chất liệu khác như inox, thủy tinh. Tuy giá thành mua ban đầu đắt hơn nhưng sử dụng an toàn, mua với số lượng ít hơn. Thay vì sử dụng túi nilon đi chợ, nên quay về với truyền thống dùng làn đi chợ. Với những thực phẩm không thể cho vào làn như tôm, cua, cá, đậu, thịt thì mang theo hộp đựng. Mua đồ uống mang theo bình,...
Tiết giảm: Tiêu dùng càng nhiều càng gây hại môi trường. Thay vì mua sắm nhiều thì nên mua ít đi, quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Cái gì thực sự không cần thiết thì không nên mua, vừa kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Tái sử dụng: quần áo cũ không mặc nữa thay vì vứt đi chúng ta có thể tận dụng vào việc may túi vải, với những chất liệu vải tốt giặt sạch may thành khăn lau chén bát, lau bàn ghế. Túi nilon sau mỗi lần đi chợ có thể giặt sạch phơi khô dùng cho lần sau. Chai, lọ, hộp nhựa tận dụng vào việc trồng cây,... 
Tái chế đòi hỏi công nghệ cao, khả năng phân loại rác thải nhựa tốt, cách thức quản lý cơ sở tái chế tốt. Nhưng thực tế địa phương ta và trong cả nước ta, ngành tái chế nhựa đối mặt với nhiều khó khăn như công nghệ tái chế lạc hậu, khả năng phân loại rác kém, khả năng quản lý kém dẫn đến việc nhiều cơ sở tái chế không đạt tiêu chuẩn, trong quá trình tái chế thải ra các chất độc gây hại môi trường, nhựa tái chế không đạt yêu cầu gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Như vậy, để giảm thiểu rác thải nhựa thì trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần làm gương trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày bằng những hành động thiết thực với phương châm: Thay thế - Tiết giảm - Tái sử dụng – Tái chế.
Tác giả: Mỹ Trinh
Nguồn: UBND thị xã

 

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 2.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây