1022

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ PHƯỚC LONG

Thứ hai - 08/04/2019 15:40 868 0
Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường. Do vậy các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại và mẫu mã đa dạng, phong phú nhìn rất bắt mắt. Tuy nhiên việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên khá phổ biến thậm chí rất tùy tiện, khó kiểm soát. Từ đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân nhất là của các em học sinh đang tham gia học tập trong các trường học.
Trước tình hình trên và thực hiện ý kiến chỉ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Phước về tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; UBND thị xã Phước Long đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các xã, phường, các trường học trên địa bàn thị xã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh và Công văn số 1074/BGDĐT-GDTC ngày 19/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, với các nội dung cụ thể như sau:
- Thực hiện nghiêm Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hiện hành liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế  hướng dẫn về đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trường học trong các cơ sở giáo dục và các trường học.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh học sinh về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm;
- Thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tại các khâu như: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trường học, tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định về an toàn thực phẩm;
- Tăng cường vệ sinh để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh trong các trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa;
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh  môi trường tại các trường học, tuân thủ ăn chín, uống chín, thay đổi các phong tục, tập quán có nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm…); đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục, ngành Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trường học; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Hiện nay việc sử dụng các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai, các loại bánh mứt, kẹo … (nhất là các loại bánh kẹo, nước uống các loại được bày bán trong các hàng quán trước các trường học). Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Việc dán nhãn các mặt hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra… việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các em học sinh do sức đề kháng  yếu khi gặp vấn đề về thực phẩm có nguy cơ mắc bệnh tỷ lệ cao. Mặc dù cho đến nay đã có khá nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như biện pháp về quản lý giáo dục như ban hành luật, điều lệ và thanh tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các bệnh do kém chất lượng về vệ sinh thực phẩm và thức ăn ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.
Nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người sản xuất kinh doanh thực phẩm và nhân dân qua đó nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm sạch, có nhãn mác trong nhân dân và học sinh các trường học;  Nhà nước cần tạo sự kết nối, liên kết giữa người sản xuất và tiêu dùng. Song song đó các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để từ đó đảm bảo sức khỏe cho nhân dân nhất là duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.
Tác giả: Hải Dương
Nguồn: UBND Thị xã

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây