Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn xã có trên 70 hộ dân chăn nuôi heo theo phương thức hộ gia đình, việc xử lý chất thải vật nuôi gặp nhiều khó khăn, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại các khu dân cư. Trước tình hình đó, được sự quan tâm hỗ trợ từ Hội nông dân thị xã, Hội nông dân xã cùng với một số hộ dân tiến hành thử nghiệm mô hình “Nuôi heo đệm lót sinh học” bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.
Cho heo nằm đệm lót sinh học
Anh Phạm Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Giang cho biết: Trong mô hình này phần quan trong nhất là làm đệm lót sao cho đúng kỹ thuật, thành phần của đệm lót gồm mùn cưa, trấu và dung dịch được pha chế từ chế phẩm sinh học có tên Balasa N01. Đệm lót được tạo bằng nhiều lớp và pha chế đúng kỹ thuật. Nhiệt độ bên trên đệm lót giữ ổn định ở mức 20%. Đệm lót có chứa một quần thể vi sinh vật có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ nên có thể phân giải tốt phân và nước tiểu. Việc phân giải sẽ diễn ra tốt hơn khi đệm lót được lợn đào bới, trộn đều thường xuyên.
Ngoài ra một chuồng, trại nuôi heo được cho là đạt tiêu chuẩn khi có đầy đủ các điều kiện về diện tích chuồng nuôi từ 10 m2 đến 20 m2, rộng từ 4 đến 5 mét, dài không hạn chế, bốn phía tường vây cao 1 mét đến 1,2 mét, để giữ độ ẩm cho đệm lót. Để tăng tính hiệu quả người dân nên thiết kế hệ thống phun sương làm mát, máng ăn và vòi uống nước tự động cho heo được đặt ở hai phía đối nhau để heo tăng sự vận động, đồng thời làm đảo trộn chất độn giúp cho việc lên men tốt hơn. Máng ăn nên cao hơn bề mặt đệm lót trên dưới 20 cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn.
Những thành quả đầu tiên
Anh Nguyễn Văn Sửu, một hộ dân chăn nuôi tại thôn Nhơn Hòa I, cho biết nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn và được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Hội Nông dân xã, gia đình chúng tôi mạnh dạn áp dụng việc chăn nuôi heo bằng việc sử dụng chế phẩm balasa làm đệm lót, đây là một hỗn hợp các loại vi khuẩn nấm, men phân giải chất hữu cơ do vậy nó làm tiêu hết phân, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường, khu vực xung quanh trại chăn nuôi không còn bốc mùi hôi như trước, bên cạnh đó chất lượng đàn heo cũng tăng lên, giảm được chi phí chăm sóc và tăng hiệu quả kinh tế trong năm đầu tiên.
Đàn heo được nuôi thử nghiệm theo mô hình mới của hộ gia đình anh Sửu
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại, anh Lê Văn Phước, thôn Nhơn Hòa I, cho biết hiện nay gia đình anh cũng đang áp dụng thử nghiệm mô hình này trong tổng đàn 50 con, anh thử nghiệm 01 chuồng nuôi theo mô hình mới với 12 con và bước đầu cho thấy những kết quả khả quan. Cũng theo anh Phước nuôi heo theo quy trình kỹ thuật bằng đệm lót sinh học thì heo luôn đạt chất lượng cao và sinh trưởng tốt. Nhờ vậy mà giá bán cũng ổn định hơn, hằng năm thu nhập từ nuôi heo lãi hơn 80 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình chăn nuôi này, anh Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội nông dân thị xã cho rằng: “Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và giảm chi phí chăn nuôi cho bà con nông dân tham gia thử nghiệm trên địa bàn xã Long Giang, đặc biệt là đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng đàn heo và với những thành công bước đầu, chúng tôi sẽ có những đánh giá cụ thể và nhân rộng mô hình này trong thời gian sắp tới”
“Tuy nhiên, do bước đầu thử nghiệm nên nhiều người dân chưa mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi này. Do đó, bà con nông dân rất cần sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện về vốn và về kỹ thuật cho bà con nông dân có điều kiện nhân rộng mô hình này” anh Lâm cho biết thêm.
Tác giả: Diễm Thúy
Nguồn: Hội Nông dân TX
Ý kiến bạn đọc