“CHẠM” ĐẾN LỢI ÍCH NGƯỜI DÂN
Sau một thời gian trải nghiệm, người dân đã bước đầu thích nghi CĐS vì không ai muốn mình lạc hậu trong guồng quay số hóa. CĐS tại Bình Phước đang được triển khai trên tất cả lĩnh vực, góp phần đưa tỉnh trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về CĐS toàn diện ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. “Nâng cấp” trở thành nông dân số
Gần 70 tuổi nhưng hằng ngày ông Trương Văn Đảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long vẫn quán xuyến mọi công việc trên vườn sầu riêng 30 ha đang trong giai đoạn cho trái sung sức. Bí quyết của ông là nhờ công nghệ hỗ trợ. “30 năm trước, mọi công đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng đều làm thủ công, tốn nhiều công sức. Trước đây, để tưới 19 ha sầu riêng cần 10 người, nay với hệ thống nước tưới nhỏ giọt có thể tưới mát cho hàng ngàn cây sầu riêng chỉ qua thao tác bật, tắt. Hay những chiếc xe cắt cỏ, xe phun thuốc chỉ cần một người điều khiển trong một buổi có thể hoàn thành công việc, giúp tiết kiệm nhân công, thời gian và chi phí, giải phóng được rất nhiều sức lao động, kiểm soát được nước tưới, phun thuốc cho cây” - ông Đảo dẫn chứng một vài thay đổi nhỏ nhưng mang lại kết quả lớn trong quá trình canh tác cây sầu riêng của mình.
Ông Trương Văn Đảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long đầu tư máy móc, tự trang bị kỹ năng số để đưa thương hiệu sầu riêng Ba Đảo vươn xa
Để số hóa vườn cây, toàn bộ diện tích vườn ông Đảo đều đánh dấu mã số cây, dùng ký hiệu để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch. Ông cũng áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP để không chỉ xây dựng thương hiệu mà còn giúp người dùng an tâm vì thông tin được tích hợp trong mã QR dán trên mỗi trái sầu riêng.
Hiện ông Đảo là người tiên phong ở Bình Phước xây dựng kho đông lạnh bằng khí nitơ lỏng với nhiệt độ âm 1500C, thời gian cấp đông trái nhanh nên giữ được sản phẩm tươi ngon khi vận chuyển ra nước ngoài. Theo ông Đảo, để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang các nước thì trước hết phải có cơ sở hạ tầng, máy móc đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư quy trình đóng gói, bảo quản bài bản, sầu riêng thương hiệu Ba Đảo của gia đình ông đang được các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc chấp nhận và sắp tới sẽ hướng đến các khách hàng khó tính khác.
Tương tự là nhà nông trẻ Nguyễn Minh Hiếu, chủ vườn sầu riêng VietGAP Gia Bảo Ecofarm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số Bình Phước. Buổi sáng ngồi uống cà phê, anh Hiếu vẫn có thể quản lý vườn sầu riêng 10 ha nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ. Không chỉ dán tem truy xuất nguồn gốc, anh còn đầu tư hệ thống tưới và phun thuốc tự động. Anh Hiếu cũng đang chia sẻ bí quyết làm vườn “nhàn tênh” của mình tới nông dân trong tỉnh. “Chúng tôi đang triển khai nền tảng AutoAgri (nông nghiệp thông minh) trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp và thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở chế biến điều, trồng cây ăn trái ở thị xã Phước Long. Hy vọng sẽ truyền cảm hứng làm nông nghiệp số cho nông dân trong tỉnh” - anh Hiếu chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Hiếu (bìa phải), Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số Bình Phước triển khai nền tảng AutoAgri trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hạt điều cho xã viên
Mục tiêu xây dựng những nông dân số, nghe có vẻ lạ, nhưng nhiều nông dân Phước Long đã tự trang bị kỹ năng số để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng kinh tế số của thị xã. Khi mỗi người dân đang tự “nâng cấp” mình thành những công dân số sẽ tạo sự lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác.
Chính quyền cầu thị, lắng nghe
Nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính đi đôi với phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số mà công tác quản lý các lĩnh vực trở nên thuận lợi. Như Bộ phận một cửa thị xã Phước Long, trong ngày làm việc nhưng rất ít người dân đến trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Đó là vì nhiều lĩnh vực, ngay cả lĩnh vực đất đai cũng đã thực hiện 100% tiếp nhận trên dịch vụ công mức độ 3, 4. “Hiện mọi thủ tục đều có thể giải quyết trực tuyến. Được cán bộ bộ phận một cửa hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, sau đó tôi tự làm ở nhà để không phải đi lại, đảm bảo công việc gia đình” - chị Nguyễn Thị Kim Hiên ở khu phố 4, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long khẳng định.
Chuyển đổi số ở thị xã Phước Long đang được nhân dân hưởng ứng, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, cán bộ nhiệt tình, cầu thị, lắng nghe
Năm 2022, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phước Long tiếp nhận 15.437 hồ sơ, trong đó 100% tiếp nhận và giải quyết trên dịch vụ công và không có hồ sơ trễ hạn. Tỷ lệ người dân hài lòng và rất hài lòng đạt hơn 98%. “Có được kết quả này là nhờ các khâu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng. Thị xã cũng duy trì hiệu quả các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền để người dân thực hiện số hóa, tiếp cận hình thức nộp hồ sơ trực tuyến; hoàn thành nghĩa vụ tài chính bằng hình thức trực tuyến; hướng dẫn bằng cách cầm tay chỉ việc kết hợp tạo mã QR tích hợp trong hướng dẫn để người dân thuận tiện truy cập dịch vụ công. Chuyển đổi nhận thức là một phần rất quan trọng trong CĐS, có nhận thức tốt thì mới hành động tốt” - anh Vũ Minh Sơn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phước Long nhấn mạnh.
Sự quyết liệt của lãnh đạo thị xã Phước Long đã “truyền lửa” đến từng cán bộ, công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng, ban, xã, phường đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng quy trình, thời hạn, đúng chức năng nhiệm vụ. Nhưng trên hết, cốt lõi vẫn là “cán bộ, công chức phải nhiệt tình” như “tổng kết” của chị Dương Thị Thanh Thảo, công chức tư pháp - hộ tịch phường Sơn Giang, thị xã Phước Long. Sự nhiệt tình được chị phân tích: “Đó là khi người dân đến nộp hồ sơ, mình phải nhiệt tình hướng dẫn. Đối với những thủ tục người dân chưa làm được thì hỗ trợ, “cầm tay” hướng dẫn người dân làm. Khi ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ thì người dân được lợi, cán bộ, công chức chắc chắn sẽ bớt áp lực, hiệu quả công việc được nâng cao”.
Nhân dân hưởng ứng, cán bộ nhiệt tình, cầu thị, lắng nghe; cơ sở vật chất đang được đầu tư đồng bộ… chính là yếu tố cơ bản để thị xã Phước Long tiến gần hơn với xã hội số. Thị xã đã từng bước hoàn chỉnh việc lập cơ sở dữ liệu trên từng lĩnh vực, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin về đường truyền kết nối, thiết bị, phần mềm quản lý, xây dựng khung chính quyền điện tử giữa chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp và giữa các cơ quan chính quyền với nhau.
Nhờ có nhiều công dân số, tổ chức số nên việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính giờ đây rất nhanh gọn, không còn cảnh trên bàn cán bộ, lãnh đạo lúc nào cũng đầy ắp hồ sơ chờ xử lý. Quá trình giải quyết hồ sơ của cấp dưới đều được giám sát trên hệ thống. Điều này thể hiện ở chỉ số xếp hạng CĐS năm 2022, thị xã Phước Long đứng thứ 2/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Phải khẳng định những gì CĐS mang lại rất thiết thực chứ không phải điều gì xa vời, trừu tượng, khó hiểu. Đó cũng chính là những tác động hằng ngày đến cuộc sống người dân.
Tác giả: Đức Bổn/ST
Nguồn tin: baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc