1022

Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long, nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương

Thứ ba - 25/10/2022 21:19 3.195 0

Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long, nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương

Bảo tàng chiến dịch Đường 14 – Phước Long tiền thân là Nhà truyền thống huyện Phước Long, được xây dựng từ năm 2002, đến năm 2014 được nâng cấp xây dựng với quy mô lớn hơn và năm 2018 được chuyển thành Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long. Từ đó đến nay, mỗi năm Bảo tàng đã đón hàng chục nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu.
Bảo tàng được chia thành hai khu vực trưng bày, gồm trưng bày ngoài trời và trưng bày trong nhà. Khu vực ngoài trời trưng bày chiến lợi phẩm thu được của Mỹ – ngụy và vũ khí quân dụng của quân giải phóng. Khu vực trong nhà được chia làm 2 tầng, tầng trệt trưng bày hình ảnh, hiện vật và tài liệu về Chiến dịch đường 14 – Phước Long và một phòng riêng trưng bày cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, tầng 1 trưng bày về văn hóa, vùng đất, con người Phước Long. Nội dung trưng bày cụ thể như sau:
1
Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long

 1. Không gian trưng bày ngoài trời

   Đối với không gian ngoài trời, Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long trưng bày các hiện vật gồm máy bay C123 và F5E, xe tăng T34 và xe tăng M48, pháo 105mm, phà, bồn… Các hiện vật được bố trí hài hòa trong khuôn viên trưng bày ngoài trời của Bảo tàng. Từng hiện vật được trưng bày trên các bục, bệ, kệ khác nhau nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham quan và hiện vật. Tại không gian này, Bảo tàng bố trí lối đi tham quan nội bộ, nhằm giúp du khách đến được với từng hiện vật. Ngoài ra, trong khuôn viên của không gian trưng bày ngoài trời, Bảo tàng có bố trí ghế đá để khách tham quan nghỉ chân.

   Không gian trưng bày ngoài trời là địa điểm tham quan hấp dẫn bởi các hiện vật thể khối lớn để khách tham quan có thể check in nhằm tạo cho mình những hình ảnh đẹp. Bên cạnh đó, đây là địa điểm thu hút người dân sinh sống lân cận đến để dạo bộ, nghỉ ngơi sau giờ làm việc vào buổi chiều và buổi sáng.

2
Hiện vật Máy bay F5E, Xe tăng T34 và Pháo 105mm (ảnh: Hùng Minh)
3
Hiện vật Xe tăng M48 (ảnh: Hùng Minh)
4
Hiện vật Máy bay C-123 (ảnh: Hùng Minh)

2. Không gian trưng bày về Chiến dịch đường 14 – Phước Long

   Phần trưng bày này là nội dung chính của Bảo tàng, hình ảnh, hiện vật và tài liệu trưng bày nhằm tái hiện lại tình hình giữa ta và địch thời kỳ cuối năm 1974, đầu năm 1975, quá trình chuẩn bị, diễn biến và kết quả của chiến dịch cũng như những đóng góp của quân và dân Phước Long trong chiến dịch. 

   Tại không gian trưng bày về Chiến dịch đường 14 – Phước Long, Bảo tàng trưng bày các hình ảnh, hiện vật và tư liệu theo tiến trình của chiến dịch. Các hình ảnh được trưng bày cố định trên đai với nhiều kích thước khác nhau nhằm tạo điểm nhấn cho từng nội dung, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn cho từng nội dung lịch sử. Các hiện vật và tài liệu được trưng bày theo các hình thức khác nhau. Hiện vật thể khối lớn được tập trung thành từng cụm hoặc bố trí theo các mô hình. Hiện vật có kích thước vừa và nhỏ được trưng bày trong tủ hoặc cố định trên đai trưng bày. Hình ảnh, tài liệu và hiện vật trưng bày được bố trí đèn chiếu ảnh, chiếu điểm tạo cho người xem có thể quan sát được ở các góc, cạnh khác nhau.

   Ngoài ra, tại không gian trưng bày về Chiến dịch đường 14 – Phước Long, Bảo tàng bố trí một sa bàn về các trận đánh, các mũi tiến công của quân và dân ta. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã xây dựng một phim tư liệu giới thiệu về Chiến dịch được thể hiện trên màn hình ngay tại khu vực bố trí sa bàn để phục vụ khách tham quan.
 

5
Khách tham quan tập trung lắng nghe thuyết minh về nội dung trưng bày
6
Mô hình nhằm tái hiện lại chiến dịch tại Bảo tàng

 3. Không gian trưng bày về văn hóa, vùng đất, con người Phước Long

   Không gian về văn hóa, vùng đất, con người Phước Long được trưng bày tại tầng 01 của Bảo tàng. Các nội dung trưng bày gồm: Giới thiệu tổng quan về vùng đất Phước Long; về lịch sử Phước Long thời tiền sử và thời Pháp thuộc, một phần lịch sử thời kỳ chống Mỹ; về con người và văn hóa vùng đất Phước Long; những thành tựu nổi bật của Phước Long từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cho đến nay.

   Thông qua trưng bày về vùng đất và con người nhằm giới thiệu đến khách tham quan tổng quan về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng và các vấn đề về vùng đất Phước Long. Bên cạnh đấy, bằng các hình ảnh, hiện vật và tài liệu để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển cũng như quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân Phước Long.

   Đối với nội dung về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Phước Long, Bảo tàng đã thực hiện việc trưng bày một cách sinh động, đa dạng và phong phú. Đây là phần trưng bày tạo ra điểm nhấn riêng trong toàn bộ phần trưng bày về văn hóa, vùng đất và con người của Phước Long. Bảo tàng đã tái hiện lại theo tỉ lệ 1/1 về một góc nhà ở truyền thống của người Xtiêng Phước Long. Ngoài ra, tại đây tái hiện về sinh hoạt đời thường cũng như trong lao động sản xuất của người Xtiêng Phước Long bằng 03 tượng người theo tỉ lệ 1/1 với đầy đủ các trang phục, trang sức và các công cụ lao động cũng như vật dụng sinh hoạt kèm theo.

   Bên cạnh việc trưng bày các hình ảnh trên đai, hiện vật trong tủ, kệ thì Bảo tàng còn sử dụng các mô hình như hố chông, mặt cắt thành đất đắp hình tròn, hộp hình về nhà tù Bà Rá và cuộc đấu tranh của đồng bào Xtiêng năm 1933. Ngoài ra, trên đai trưng bày sẽ thực hiện mô hình về cuộc đấu tranh của đồn điền cao su Phú Riềng năm 1929. Tại từng phần trưng bày có những vách ngăn, mô típ trang trí cho hài hòa và đạt yếu tố thẩm mỹ cao để tạo cho người xem có cái nhìn tổng quát về cả một giai đoạn lịch sử của Phước Long.

   Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long sau khi được nâng cấp từ Nhà truyền thống thị xã Phước Long đã trở thành địa chỉ đỏ để các tầng lớp Nhân dân thị xã Phước Long nói riêng và của khách tham quan trong và ngoài tỉnh nói chung đến tham quan, thưởng lãm và về nguồn. Hàng năm, có hơn 10 nghìn lượt khách đến với Bảo tàng để tham quan, nghiên cứu và học tập.
 

7
Không gian trưng bày về vùng đất và con người Phước Long (ảnh: Phùng Ngạn)
8
Mô hình một góc nhà ở truyền thống của người Xtiêng (ảnh: Phùng Ngạn)

Tác giả: Sưu tầm

Nguồn tin: baotangbinhphuoc.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây