Sinh ra và lớn lên trong vùng đồng bào dân tộc S’tiêng, bản thân ông cũng là người S’tiêng. Chính vì vậy mọi phong tục tập quán của người stieng ông đều hiểu rõ hơn ai hết. Chứng kiến được nỗi khổ của người S’tiêng trong sinh hoạt hàng ngày ông luôn thấy mình cần phải làm gì đó cho thôn 7 ở xã Long Giang ngày càng phát triển. Với nhiệm vụ là bí thư chi bộ, ông thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, khó khăn hơn gấp bội. Với suy nghĩ làm sao để dân bản được sống đầy đủ hơn? Người dân trong thôn tiến gần hơn với nền khoa học kỹ thuật là một trong những mối bận tâm lớn nhất của ông.
Trao đổi với chúng tôi, ông tâm sự trong thôn có 103 hộ dân, trong đó người stieng đã chiếm 76 hộ với 368 nhân khẩu. diện tích đất sản xuất cho 76 hộ này cũng chỉ có hơn 108 ha. Nếu tính bình quân thì mỗi hộ chỉ được 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp. Mặt khác hầu hết người dân trong thôn chưa biết cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và chăn nuôi, vì vậy cái nghèo, cái đói vẫn còn vây lấy bà con. Nhưng đến nay sau gần 5 năm làm bí thư chi bộ ông đã phần nào giúp bà con trong thôn tiến gần hơn với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân trong thôn giờ đây đã biết trồng lúa nước, đã biết bón phân đúng thời vụ cho cây điều, cũng như đã biết thực hiện các mô hình trồng trọt và chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Vì vậy kinh tế của thôn trong những năm gần đây năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống của bà con cũng ngày một ổn định hơn. Từ chỗ là một thôn có 15 hộ nghèo, đến nay đã giảm được 8 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo trong thôn xuống còn 5 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Bên cạnh đó số nhà tạm, nhà tranh tre đa số đã được xóa bỏ. Đặc biệt trong 4 năm liền thôn luôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Song song với đó là hoạt động của các tổ chức tập thể trong thôn luôn đạt danh hiệu từ khá đến xuất sắc. Cũng như các hoạt động giáo dục, tuyển quân luôn đáp ứng được yêu cầu của địa phương đưa ra.
Là người được dân tin tưởng cho nên cứ hễ trong thôn có việc gì, mọi người lại kéo đến hỏi ông. Có người còn nói rằng, trong thôn có việc gì khó giải quyết, có việc gì mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì cứ nhằm bí thư chi bộ mà hỏi. Khi được hỏi: Ông có thấy áp lực không? Ông cười rồi đáp: áp lực thì có nhưng làm được gì cho bà con bớt khổ là thấy vui rồi.
Câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng trong đó lại chứa đựng nhiều nỗi niềm của một người bí thư chi bộ- người cầm cân nảy mực- là chỗ dựa cho hơn 100 hộ dân ở thôn 7. Những người hàng xóm của ông còn cho biết: Bác Điểu Lúc luôn là một người Bí thư gương mẫu, ông luôn biết sắp xếp thời gian giữa việc riêng và việc chung, giữa việc nhà và việc cộng đồng, vì thế khi nào mọi người cần là ông đều có mặt để giải quyết những vướng mắc của người dân trong thôn một cách kịp thời. Có thể nói ông là niềm vui, niềm tự hào của người dân thôn 7 và cũng là niềm tự hào của xã Long Giang.
Thiết nghĩ, những thành quả ngày hôm nay của thôn không phải tự nhiên mà có, nó đã phải trải qua những khó khăn, những cung bậc cảm xúc khác nhau để tạo nên những sắc thái chung trong sự đoàn kết như hôm nay.
Có thể thấy thành quả nào cũng bắt đầu từ những khó khăn, sự tin tưởng nào cũng bắt đầu bằng tấm chân tình và để làm được điều đó đòi hỏi phải là một người hiểu dân, thương dân và hết lòng vì sự nghiệp chung, vì sự an vui của thôn bản và sự phát triển của địa phương.
Minh Trang
Nguồn: Đài truyền thanh
Ý kiến bạn đọc