1022

Những điểm mới của chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ chính trị

Thứ bảy - 17/09/2016 10:50 786 0
Ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng bộ phận chuyên trách giúp việc thực hiện Chỉ thị 03 – Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra những điểm mới của Chỉ thị 05, cụ thể:

Thứ nhất, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị xác định: đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Suốt nhiệm kỳ khóa XI, việc thực hiện Chỉ thị 03 được coi là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc xác định “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng” đã nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chứ không chỉ giới hạn trong nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng.

Thứ hai, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có nghĩa là, phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời, phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị nhấn rất mạnh vai trò của “người đứng đầu”. Ngay khi xác định mục đích, yêu cầu, Chỉ thị đã nêu rõ: phải “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong số những phương châm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó, rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị, một lần nữa, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho cấp uỷ các cấp, trực tiếp là Ban Thường vụ cấp uỷ, đồng chí Bí thư cấp uỷ chỉ đạo. Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội.

Thứ tư, trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, nhấn mạnh: gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, Bộ Chính trị lần này đặc biệt yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Bộ Chính trị không chỉ dành riêng một nội dung để yêu cầu về công táo giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, mà còn chỉ rõ từng nội dung cần đưa vào chương trình để, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.

Thứ sáu, Bộ Chính trị khóa XII yêu cầu rất cao về việc gắn “xây” với “chống”; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ bảy, Bộ Chính trị rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ: Chỉ thị 05 yêu cầu: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ. Chúng ta đều biết, cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, là nơi dễ xảy ra quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề xây dựng những chuẩn mực trong thực thi công vụ, cũng như xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức là vô cùng quan trọng và cấp bách.

Singapore, Indonesia, Philipin và nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật đạo đức công vụ (Philipin gọi là “Luật Hành vi ứng xử và tiêu chuẩn đạo đức cho công chức, viên chức”) để quy định rõ các hành vi đạo đức mà công chức, viên chức cần thực hiện, những hành vi trái tiêu chuẩn đạo đức bị nghiêm cấm và quy định rõ về chế tài, cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm.

Hiện nay, chúng ta có nhiều quy định về các hành vi được phép thực hiện và những hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong Hiến pháp, trong một số chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng (Nghị quyết Trung ương 6(2), khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, Chỉ thị 06-CT/TW, khóa X, Chỉ thị 03-CT/TW, khóa XI, các chỉ thị về phòng chống tham nhũng, lãng phí…), một số văn bản luật (Luật công chức, viên chức (2008), Luật phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) và nhiều văn bản dưới luật, quy định, quy chế… Tuy nhiên, vì chưa rõ chế tài và chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm, nên hiệu quả thực thi chưa cao.

Thứ tám, trong Chỉ thị 05 không giới hạn thời gian thực hiện, như trong các chỉ thị 06-CT/TW khóa X và Chỉ thị 03 khóa XI, trong đó, đều xác định việc thực hiện chỉ thị để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc nhiệm kỳ khóa X và khóa XI. Lần này, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một Chỉ thị rộng hơn về nội hàm, cao hơn về yêu cầu và lâu dài hơn về thời gian.

Tác giả: Mỹ Trinh
Nguồn: PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa,
Vụ trưởng, Trưởng bộ phận chuyên trách giúp
việc thực hiện Chỉ thị 03 – Ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây