Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Phước, UBND thị xã Phước Long đã ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 29/9/2016 triển khai, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gắn với mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.
Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là xác định nhiệm vụ và đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu để tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phấn đấu đạt các mục tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số làm cơ sở phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn trên địa bàn thị xã.
Mục đích phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Phước Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, phát huy nội lực và tiềm năng của thị xã Phước Long, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Phước Long.
Kế hoạch cũng đề ra 7 mục tiêu cụ thể:
Một là, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiểu đói: Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên tổng số hộ dân tộc thiểu số thị xã phấn đấu giảm 2%/ năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/ tuổi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi năm 2016 dưới 18%, đến năm 2020 dưới 16%.
Hai là, phổ cập giáo dục tiểu học: Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học năm 2016 là trên 98%, năm 2020 là 100%. Tỷ lệ trẻ người dân tộc thiểu số từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học năm 2016 là trên 86% đến năm 2020 là 89%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ năm 2016 trên 90%, đến năm 2020 là 100%.
Ba là tăng cường bình đẳng nam, nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ: Tỷ lệ mù chữ của nữ người dân tộc thiểu số năm 2016 dưới 4%, đến năm 2020 dưới 2%. Tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông năm 2016 trên 75%, đến năm 2020 trên 80%. Tỷ lệ nữ người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử HĐND cấp xã năm 2016 đến năm 2020 là trên 1%. Tỷ lệ nữ người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử HĐND các cấp năm 2016 đến năm 2020 là trên 1%.
Bốn là, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em: Tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh ra sống dưới 3% năm 2016 và dưới 1% năm 2020. Tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi/ 1000 trẻ em sống từ năm 2016 đến năm 2020 là dưới 3%.
Năm là, tăng cường sức khỏe bà mẹ: Tỷ lệ tử vong bà mẹ người dân tộc thiểu số/100.000 trẻ sơ sinh năm 2016 là dưới 3% đến năm 2020 là dưới 2%. Tỷ lệ các ca sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ năm 2016 là trên 95% đến năm 2020 là trên 97%.Tỷ lệ phụ nữdân tộc thiểu số khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai năm 2016 là trên 95% đến năm 2020 là 97%.
Sáu là, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác: Tỷ lệ nhiễm HIV được tư vấn ở nhóm dân số dân tộc thiểu số từ 15 đến 24 tuổi năm 2016 là trên 78% đến năm 2020 là trên 85%. Tỷ lệ bệnh nhân dân tộc thiểu số mắc sốt rét/1000 dân năm 2016 là dưới 3 người đến năm 2020 là 1 người. Tỷ lệ dân tộc thiểu số mắc lao/100.000 dân năm 2016 là dưới 9 người đến năm 2020 dưới 7 người.
Bảy là, đảm bảo bền vững môi trường: Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2016 trên 95% đến năm 2020 là 99%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng hố xí hợp vệ sinh năm 2016 là trên 75% đến năm 2020 là 80%./.
Tác giả: Nguyễn Thị Thuyến
Nguồn: VP.HĐND&UBND tx
Ý kiến bạn đọc