Bệnh bùng phát thành dịch vào đầu năm 2016, đến nay dịch bệnh do virus Zika đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Á tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh chóng.
Sự đáng sợ của Zika không phải vì nó nguy hiểm chết người, do bệnh sốt Zika tương đối lành tính. Tuy nhiên nó lây lan theo một con đường cực kỳ khó phòng tránh là muỗi vằn đốt. Hơn nữa, Zika gây ra chứng nhỏ đầu ở trẻ sơ sinh - đứa trẻ sinh ra với một bộ não rất nhỏ, đây là một hệ lụy cả về tinh thần, kinh tế và xã hội cho chính gia đình người bệnh và cả toàn xã hội.
Hiện tại, Việt Nam cũng đã xuất hiện khoảng 5 trường hợp nhiễm virus Zika (theo nguồn tin từ Bộ Y tế) như 2 trường hợp ở Khánh Hòa, 1 trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh, 1 trường hợp ở Phú Yên, 1 trường hợp người Đoài Loan sống ở Trà Vinh, trong đó có 1 trường hợp phụ nữ mang thai ở thành phố Hồ Chí Minh đã phải bỏ thai.
Tại tỉnh Bình Phước vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika tính đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên do tính chất lây truyền và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này vẫn còn đang ở mức báo động cao, nên Trung tâm y tế thị xã Phước Long gửi thông điệp đến tất cả người dân trên địa bàn thị xã những thông tin cần thiết nhất để mọi người có thể đề phòng dịch bệnh cho mình và người thân xung quanh.
Yếu tố lây truyền:
- Muỗi đốt: Các chủng muỗi Aedes có thể lây truyền virus Zika. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh trong10 ngày sau đó truyền virus cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi mang virus Zika có thể truyền virus cho các thế hệ muỗi con cháu.
- Lây truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai.
- Lây truyền qua quan hệ tình dục.
- ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện trong máu, nước tiểu, tinh dịch, dịch não tủy, nước ối và sữa của các bệnh nhân nhiễm vi-rút Zika. Cho nên virus Zika lây truyền qua đường truyền máu hoặc tiếp xúc với các chất dịch tiết của người nhiễm virus Zika.
Dấu hiện để nhận biết bệnh do virus Zika:
- Bệnh diễn biến 7 – 10 ngày
- Sốt nhẹ 37.8 oC – 38.5oC, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Như vậy, khi mắc các triệu chứng trên, mọi người hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biến chứng:
- Bệnh để lại một di chứng hết sức nặng nề đó là teo não thai nhi hay tật đầu nhỏ ở trẻ em.
- Biến chứng thứ hai là gây hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.
Biện pháp phòng bệnh:
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh nên cách duy nhất chủ yếu để phòng tránh lây nhiễm Bệnh do virus Zika là hạn chế đi đến vùng đang lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, ngủ trong màn.
Thường xuyên triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng. Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt,...
Khi có chỉ định phun thuốc xịt muỗi thì các gia đình phải tạo điều kiện và phối hợp với cơ quan y tế để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng chống virus Zika đang có chiều hướng bùng phát như hiện nay.
Tác giả: Tuyết Nhung
Nguồn: TTYT thị xã
Ý kiến bạn đọc