1022

THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Thứ hai - 05/08/2019 07:23 20.977 0

THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Hiện nay bạo lực gia đình đang trong tình trạng báo động trong cả nước, có thể nói bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Sau mỗi lần đòn roi hay mỗi đêm bị bạo hành về thể xác và tinh thần, họ mất dần niềm tin vào hôn nhân, cuộc sống.
Để nắm bắt và đưa ra các giải pháp tham mưu cho cấp ủy, Chính quyền về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thị xã Phước Long đã xây dựng Kế hoạch giám sát việc thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình gắn với quyết định 215/QĐ-TTg ngày 06/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình ở một số phường trên địa bàn Thị xã.
phu nu
Đoàn giám sát làm việc tại UBND phường Long Phước
Qua kết quả giám sát hầu như  bạo lực gia đình giữa vợ, chồng với nhau chiếm tỷ lệ lớn: Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Hành vi người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể xác, đây là dạng dễ nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sỡ dĩ đa phần người đàn ông sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ là do họ không nhận thức được hoặc cố tình cho rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể xác mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ như: chửi bới, xúc phạm đối với gia đình, anh em, danh dự cá nhân… hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế, kiểm soát về tinh thần…Hành vi này kéo dài do tâm lý người vợ cho rằng chuyện riêng của gia đình, nói ra sẽ “xấu chàng hổ ai” nên họ “ngại vạch áo cho người xem lưng” chính tâm lý này đã làm cho các hành vi vi phạm này ngày càng trở lên tồi tệ và gây ra nhiều nỗi đau thương âm ỉ cam chịu, ấm ức, hờn tủi đối với những người vợ ở trong hoàn cảnh này.
Bên cạnh đó, trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chửi bới, lăng mạ và ứng xử thô bạo với chồng mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về tinh thần hoặc tính mạng của người chồng. 
Tóm lại, bạo lực gia đình xuất phát từ cả hai phía vợ và chồng đang ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức, kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình…  
Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự,..và đặc biệt Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi và hơn thế nữa nó dần trở thành như một hiện tượng đáng báo động của xã hội. Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng cho thấy cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống Bạo lực gia đình và hạn chế vấn nạn bạo lực gia đình trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
1. Phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy các cấp trong thực hiện phong trào  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở khu dân cư, đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm của các ban ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung trọng tâm, phù hợp với từng giới, từng nhóm đối tượng, lứa tuổi; đồng thời, tăng cường các hoạt động hưởng ứng cũng như lồng ghép tuyên truyền trong các dịp họp mặt, nói chuyện chuyên đề trong các ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ, 30/3 Quốc tế Hạnh phúc, 28/6 ngày gia đình Việt Nam, 20/10 ngày Phụ nữ Việt Nam…. để người dân hiểu biết và họ cảm thấy mỗi dịp gặp gỡ này sẽ thật sự trở thành ngày hội của toàn dân.
2. Tăng cường hơn nữa công tác cổ động trực quan, giáo dục, phổ biến pháp luật; tích cực tuyên truyền và vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình và các nội dung của chủ đề nếp sống văn minh-mỹ quan đô thị, góp phần xây dựng thôn văn hóa, khu phố văn hóa.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan công tác gia đình. Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên cơ sở nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, công tác hòa giải, tư vấn, thu thập thông tin, số liệu và công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Duy trì và phát triển các mô hình câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh niên…, hướng các gia đình nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
5.  Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác gia đình, công tác thu thập thông tin phòng, chống bạo lực gia đình cho cộng tác viên và hòa giải viên cơ sở.
6. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo, điển hình trong phong trào ở mỗi cấp, mỗi ngành và khu dân cư.
Tác giả: Hải Dương
Nguồn: Hội LHPN Thị xã

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây