1022

THẨM QUYỀN VÀ TRỌNG TRÁCH CỦA ĐẠI BIỂU DÂN CỬ

Thứ hai - 19/04/2021 14:13 2.446 0
Hôm qua 18.4.2021, cả nước đã hoàn tất việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Với quy trình chặt chẽ 5 bước lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, những người được đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức đều hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ để cử tri bầu chọn trong ngày 23.5 tới. Hơn lúc nào hết, từ thời điểm này, mỗi người ứng cử phải hiểu thật rõ, nắm thật chắc vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của một đại biểu dân cử.
* Trọng trách của đại biểu
Trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là vinh dự lớn lao đối với mỗi ứng cử viên. Bởi ngay tại Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội đã khẳng định, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Với đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý Nhà nước.
Để thực hiện được vai trò là người đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước, pháp luật cũng trao cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND những thẩm quyền rất lớn. Trong đó, đại biểu Quốc hội có quyền: trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu; chất vấn Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Cùng với đó là, quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; có quyền miễn trừ khi làm nhiệm vụ; quyền tham dự kỳ họp HĐND các cấp nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu; tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.
Với đại biểu HĐND, đại biểu có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu; kiến nghị tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất, phiên họp kín của HĐND và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết; kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đại biểu HĐND cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó và quyền miễn trừ khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu.
* "Điểm tựa" vững chắc
Cùng với vai trò, quyền hạn như vậy, pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của đại biểu dân cử, trong đó, đại biểu Quốc hội phải tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban mà mình là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.
Đại biểu HĐND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp HĐND, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Sau mỗi kỳ họp, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
Hiểu thật rõ, nắm thật chắc chắn các quy định của pháp luật hiện hành, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sẽ có đủ cơ sở pháp lý, có "điểm tựa" vững vàng để xây dựng chương trình hành động vừa "đúng vai", đúng luật vừa thiết thực để thuyết phục cử tri tin tưởng, tín nhiệm và bỏ phiếu cho mình.
Tác giả: Nguyễn Huyền
Nguồn: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây