Hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thành công đối với người ứng cử. Bởi lẽ, đây là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ cũng như sự gắn kết với cử tri, Nhân dân của mỗi ứng cử viên, từ đó quyết định lựa chọn, bỏ phiếu để ứng cử viên nào trở thành đại biểu dân cử. Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, vận động bầu cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Việc tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong vận động bầu cử có những điểm khác biệt so với việc tiếp xúc cử tri của đại biểu sau khi đã trúng cử. Trước hết, mục đích tiếp xúc cử tri ở đây là để vận động cử tri ủng hộ, bỏ phiếu cho mình nên mọi cố gắng, nỗ lực của ứng cử viên đều phải tập trung cho mục đích này.
Đối với người lần đầu ứng cử, do chưa có kỹ năng nên phần lớn các ứng cử viên cảm thấy khó khăn, lúng túng, vì vậy cần trang bị cho mình một số kỹ năng cơ bản, cần thiết như: Thái độ, phong cách, trình độ, năng lực ứng xử, năng lực sử dụng ngôn ngữ, tinh thần trách nhiệm… Cử tri sẽ đánh giá ứng cử viên từ những chi tiết nhỏ nhất như diện mạo, trang phục, cách trình bày đến những vấn đề lớn như trình độ, năng lực đại diện. Do đó, sẽ là sai lầm nếu quan niệm hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử là hoạt động "đến hẹn lại lên", chỉ cần thực hiện theo kế hoạch, đại biểu đến chỉ cần đọc báo cáo đã chuẩn bị sẵn và cầu thị ngồi nghe, ghi chép ý kiến phát biểu của cử tri.
Muốn thực hiện vận động bầu cử hiệu quả, trước hết ứng cử viên phải chuẩn bị cho mình tâm thế thật tốt, nhằm tạo được ấn tượng tích cực trước cử tri ngay trong lần đầu tiếp xúc. Việc xây dựng hình ảnh trước cử tri khi vận động bầu cử là phần việc rất quan trọng. Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, số cử tri đến gặp ứng cử viên được mời có tính đại diện. Cử tri sẽ nghe và quan sát hoạt động vận động bầu cử của ứng cử viên và truyền đạt đến nhiều cử tri khác. Vì vậy, ứng cử viên cần chú ý tìm hiểu người nghe (công chúng) nơi tiếp xúc cử tri; tìm hiểu một số vấn đề về cuộc tiếp xúc (như thời gian, địa điểm buổi tiếp xúc; thời gian trình bày của mình; thời gian tiếp thu câu hỏi; thứ tự trình bày; phương tiện hỗ trợ trình bày…).
Tính chất đặc biệt của hoạt động tiếp xúc cử tri thể hiện ở chỗ đây là hoạt động giao tiếp giữa cử tri (người gửi gắm sự tín nhiệm) với đại biểu (người được tín nhiệm). Do đó, ứng cử viên phải có kỹ năng tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở, gần gũi trên cơ sở ý thức gắn bó, chia sẻ. Đây là vấn đề mà các ứng cử viên cần lưu ý để đạt hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, bởi trên thực tế tình trạng "hành chính hóa" hoạt động tiếp xúc cử tri diễn ra khá phổ biến. Lưu ý vấn đề này, việc tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị, đề đạt từ phía cử tri để phản ánh đến các cơ quan chức năng bàn biện pháp giải quyết cũng hết sức quan trọng, nhưng vì chưa phải là đại biểu chính thức nên vấn đề này không phải là nhiệm vụ bắt buộc đối với ứng cử viên. Tuy vậy, các ứng cử viên không nên coi nhẹ vấn đề này mà cần thể hiện quan điểm tiếp thu và có lời hứa sẽ thực hiện khi được cử tri bầu làm đại biểu chính thức.
Tác giả: Nguyễn Huyền
Nguồn: daibieunhandan.vn