1022

ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH, BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ-NIN LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG VÀ CẤP BÁCH HIỆN NAY

Thứ sáu - 16/10/2020 09:56 6.565 0
Chủ nghĩa Mác do C. Mác và Ph. Ăng-ghen sáng lập vào khoảng giữa những năm 40 của thế kỷ XIX ở Tây Âu, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong điều kiện lịch sử mới đã được V.I. Lê-nin bổ sung, phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác ra đời là một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, mang bản chất khoa học và cách mạng, trở thành vũ khí tư tưởng - lý luận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản nhằm mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa, phát triển toàn diện con người.
Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác đã tồn tại trên 170 năm và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Mặc dù mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ; mặc dù chủ nghĩa đế quốc cùng những thế lực phản động, thù địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc chống phá, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác  - Lê-nin nhưng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn tồn tại, phát triển mà chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được, nó có giá trị trường tồn, sức sống bền vững. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học của hàng triệu triệu người trên trái đất. Đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận định: “Bây giờ, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(1).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động. Sự khẳng định đó nói lên ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta. Chủ nghĩa Mác  - Lê-nin đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức thời đại, nhận thức tình hình thế giới và trong nước, là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra đường lối, chính sách đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng là cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, cho sự thống nhất và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo đoàn kết, đồng thuận trong xã hội.
Trong quá trình xây dựng, phát triển học thuyết khoa học của mình, C.  Mác, Ph.  Ăng-ghen và sau này là V.I. Lê-nin đã phải thường xuyên đấu tranh chống các quan điểm sai trái, như chủ nghĩa duy tâm, siêu hình, giáo điều, xét lại. C.  Mác và Ph.  Ăng-ghen từng phê phán quan điểm của phái Hê-ghen trẻ, của Pru-đông, của Đuy-rinh, của Lát-xan và nhiều quan điểm tư sản khác. Thông qua đấu tranh phê phán quan điểm phản diện, các ông đã trình bày quan điểm chính diện của mình, đã phát triển, hoàn thiện học thuyết của mình. C.  Mác và Ph.  Ăng-ghen đã từng khẳng định rằng, học thuyết của các ông có tính phê phán và cách mạng, nó không đội trời chung với quan điểm giáo điều, bảo thủ, với quan điểm duy tâm, siêu hình, cơ hội và xét lại. Có thể khẳng định rằng, đấu tranh tư tưởng, lý luận để chống quan điểm sai trái nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác mang tính quy luật trong sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác.
Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, V.I. Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh, kịch liệt phê phán quan điểm duy tâm, siêu hình của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của E. Ma-khơ, A-vê-na-ri-út,...; đấu tranh với những quan điểm cơ hội, xét lại của các nhà lãnh đạo Quốc tế II, như Béc-xtanh, Cau-xky,...; đấu tranh với những quan điểm sai lầm của Plê-kha-nốp, Tờ-rốt-xki,  Bu-kha-rin,  Di-nô-vi-ép,... Thông qua đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, V.I. Lê-nin đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác lên một giai đoạn mới - giai đoạn Lê-nin trên cả ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế học chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với điều kiện lịch sử mới và phù hợp với những thành tựu mới nhất trong khoa học tự nhiên ở thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. V.I. Lê-nin đã từng gọi chủ nghĩa duy vật mác-xít là “chủ nghĩa duy vật chiến đấu”, nghĩa là nó không ngừng đấu tranh chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình, cơ hội, xét lại, các quan điểm muốn bảo vệ trật tự tư sản. Vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào thực tiễn nước Nga, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mở ra một thời đại mới trong sự phát triển của xã hội loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là sự khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối của Lê-nin, là sự bác bỏ mạnh mẽ nhất, quyết định nhất, có tính thuyết phục nhất đối với các quan điểm sai trái, thù địch lúc bấy giờ.
Từ khi ra đời cho đến nay, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nắm vững và vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng, từ đó đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch nhằm ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại âm mưu “chiến thắng không cần chiến tranh” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện các kỳ đại hội Đảng toàn quốc thời kỳ đổi mới đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh này. Đặc biệt ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, trước hết trong xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao./.
Tác giả: Thanh Huyền
Nguồn: Ban TGTW

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây