Sau đây là một số điểm mới của Quy định số 30 so với quyết định 46.
Thứ nhất, về thể loại văn bản: hai văn bản này không cùng thể loại. Quy định 30 thuộc thể lại Quy định (độc lập), còn Quyết định 46 ban hành kèm theo là Hướng dẫn (không nằm độc lập).
Thứ hai, về nội dung: Hai khái niệm “kiểm tra”, “giám sát” trong quy định 30 được bổ sung mới. Cụ thể:
“Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức Đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước”. So với quyết định 46, bổ sung thêm nội dung kiểm tra việc chấp hành quy định của Đảng và chính sách của Nhà nước.
“Giám sát của Đảng là việc tổ chức đảng quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. So với Quyết định 46, bổ sung thêm hành vi “quan sát” vào chủ thể giám sát và thể hiện sự thống nhất trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng khi nội dung giám sát được bổ sung thêm là chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ thể kiểm tra và giám sát: Quy định 30 bổ sung thêm 01 chủ thể là Ban thường vụ đảng ủy cơ sở. Đối tượng kiểm tra và giám sát thì bổ sung thêm 02 đối tượng là chi ủy và ban thường vụ đảng ủy cơ sở.
Về nội dung lãnh đạo công tác kiểm tra của các ban cán sự đảng, đảng đoàn: Quy định 30 bổ sung them lãnh đạo công tác quán triệt và chấp hành Cương lĩnh chính trị, kết luận, quy chế về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Nội dung việc kiểm tra chấp hành, bên cạnh các nội dung được nêu trong Quyết định 46, thì Quy định 30 còn bổ sung thêm kiểm tra chấp hành quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, việc quản lý đảng viên, việc tiếp nhận, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Đồng thời, cắt bỏ nội dung “việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu tổ chức Đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp”, bởi đây là nhiệm vụ của đảng viên giữ vai trò lãnh đạo.
Về số lượng ủy viên các cấp có sự thay đổi, UBKT Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương có từ 11 đến 13 ủy viên (lúc trước là từ 9 đến 11 ủy viên), các ủy viên chuyên trách gồm chủ nhiệm, từ 2 đến 3 phó chủ nhiệm và từ 4 đến 6 ủy viên (lúc trước là từ 3 đến 5 ủy viên). Số lượng UBKT Đảng ủy Công an Trung ương từ 11 đến 13 ủy viên, trong đó có từ 9 đến 11 ủy viên chuyên trách và 03 ủy viên kiêm chức (trước là 2 ủy viên).
Quyết định 46 không đề cập đến UBKT Đảng ủy ngoài nước, Quy định 30 đã bổ sung nội dung hoàn toàn mới này, cụ thể: Số lượng từ 7 đến 9 ủy viên (do đảng ủy cùng cấp quyết định), trong đó có 3 ủy viên chuyên trách và từ 4 đến 6 ủy viên kiêm chức; từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm; có 2 cấp ủy viên cùng cấp. Ủy viên chuyên trách: Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ đảng ủy; phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên cùng cấp và 01 ủy viên. Ủy viên kiêm chức: Phó chủ nhiệm là Trưởng ban hoặc Phó ban tổ chức, các ủy viên là Trưởng ban hoặc Phó ban tuyên giáo, trưởng hoặc phó ban công tác quần chúng, Chánh văn phòng hoặc Phó chánh văn phòng và các bộ các ban của Đảng ủy Ngoài nước.
Theo quy định 30, việc xác nhận dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới được bổ sung thêm các “kênh thông tin” là công tác quản lý, kiểm toán, điều tra; tố cáo, khiếu nại, hản ánh, kiến nghị của đảng viên và quần chúng; chất vấn của đảng viên.
Tác giả: Nguyễn Thị Thuyến
Nguồn: Thông tin sinh hoạt chi bộ BTG Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc