Dưới sự dẫn đường của kiểm lâm viên, các thành viên đã di chuyển bằng phương tiện ô tô, xe máy đi vòng quanh núi Bà Rá, rồi dừng phương tiện đi bộ khoảng 200m qua các con đường mòn nhỏ, bụi tre, tảng đá…tìm đến địa điểm khảo sát. Tại vị trí Hang dơi (nhận định có thể là Hang dơi vì núi Bà Rá có rất nhiều Hang dơi tương tự), cán bộ Bảo tàng tỉnh, Phòng VH&TT thị xã đã thực hiện các công việc khảo sát tỉ mỉ, chi tiết bên trong và ngoài Hang, đồng thời tiến hành công tác thu thập, đo khoảng cách chiều dài, chiều cao và chiều rộng của Hang, đường kính tảng khối đá lớn, các vị trí xung quanh Hang và thực hiện chụp hình, quay phim làm tư liệu.
Hình ảnh cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Phước, Phòng VH&TT thị xã Phước Long
tiến hành công việc khảo sát tại vị trí Hang dơi (nhận định có thể là Hang dơi
vì núi Bà Rá có rất nhiều Hang dơi tương tự)
Các thành viên chụp hình lưu niệm tại địa điểm khảo sát Hang dơi (nhận định có thể là Hang dơi vì núi Bà Rá có rất nhiều Hang dơi tương tự)
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hang dơi là nơi trú ẩn của quân ta, đây là một trong những nơi có địa hình hiểm trở có thể che chắn bom đạn của kẻ thù nên Đội biệt động núi Bà Rá chọn làm nơi trú ẩn. Vì trong Hang sâu lại có rất nhiều dơi trú ngụ, sinh sống nên các cán bộ, chiến sỹ Đội biệt động núi Bà Rá đặt tên là Hang dơi.
Việc tiến hành khảo sát thực tế, thu thập thông tin nhằm chỉnh lý hồ sơ khoa học di tích năm 2023 của Bảo tàng tỉnh Bình Phước để hoàn thiện theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.
Tác giả: Ngọc Nhật
Nguồn: Phòng VHTT