Hiệu quả hoạt động Điểm giao dịch xã của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Phước Long
Thứ tư - 26/05/2021 15:292.2530
Tổ giao dịch lưu động tại Điểm giao dịch xã là hoạt động đặc trưng riêng của NHCSXH, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ kịp thời để có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân thị xã Phước Long nhận vốn vay ưu đãi tại điểm giao dịch xã Long Giang
Hiện nay, NHCSXH thị xã Phước Long có 7 Điểm giao dịch ở các xã, phường trên địa bàn. Hàng tháng vào ngày giao dịch cố định, khi khách hàng đến nhận tiền vay, trả nợ, gửi tiết kiệm hoặc có ý kiến, kiến nghị về các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện trên địa bàn xã, phường, NHCSXH phối kết hợp với tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, quy định trong vay vốn, sử dụng vốn, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm sử dụng vốn vay và việc trả nợ của người vay theo thỏa thuận. Do tổ chức tốt công tác giao dịch lưu động tại xã nên tỷ lệ cho vay, thu nợ tại Điểm giao dịch xã đạt 100% theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó, hoạt động của tổ giao dịch lưu động đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định và được NHCSXH thị xã Phước Long thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời rút kinh nghiệm nhằm từng bước nâng cao chất lượng giao dịch xã. Hoạt động giao dịch tại các Điểm giao dịch xã đã đi vào nề nếp, ổn định. Các Hội, đoàn thể nhận ủy thác luôn tích cực và chủ động phối hợp với tổ giao dịch lưu động của NHCSXH thị xã trong việc hướng dẫn các đối tượng vay vốn, Tổ trưởng Tổ TK&VV làm thủ tục giao dịch với Ngân hàng giúp cho việc giao dịch được nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả kinh tế cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, NHCSXH thị xã Phước Long phân công đầy đủ cán bộ tại các điểm giao dịch xã, phường để thực hiện giao dịch với người dân. Vào ngày giao dịch tại xã, phường, cán bộ tín dụng được phân công phụ trách địa bàn, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, phường và phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ TK&VV tổ chức họp giao ban hàng tháng để đánh giá những kết quả thực hiện, giải quyết kịp thời những tồn tại vướng mắc, từ đó, đưa ra những phương hướng, giải pháp thực hiện cho tháng tiếp theo. Đặc biệt, từ khi có chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND xã, phường vào thành viên BĐD-HĐQT NHCSXH thị xã đã nâng cao việc chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các Tổ TK&VV, của người vay. Công tác chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể trong việc thực hiện các nội dung nhận ủy thác, tổ chức tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách được chú trọng quan tâm nhiều hơn, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại các điểm giao dịch xã, phường./.