Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội thị xã đã tích cực triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đa số Nhân dân đều tự giác tích cực học tập để nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Có thể nói, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thị xã đến nay đã phát triển sâu rộng đến từng gia đình, dòng tộc, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học với nhiều đối tượng xã hội tham gia và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính hết năm 2016, thị xã đã mở được 03 lớp bồi dưỡng cho 353 lượt cán bộ làm công tác khuyến học ở cơ sở. Hằng tháng, hệ thống truyền thanh của thị xã và trạm truyền thanh 7 xã, phường đều có tin và bài viết về kết quả của hoạt động khuyến học, khuyến tài.. Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã đã mở được 71 lớp với 4.844 học viên, trong đó bồi dưỡng nghiệp vụ cho khối Đảng, nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể là 4.555 học viên, đào tạo trung cấp chính trị cho 498 học viên. Trung tâm dạy nghề đã đào tạo 2.316 học viên với chương trình dạy lái xe mô tô, anh văn, vi tính, kỹ thuật sửa xe mô tô. Ngoài ra Trung tâm dạy nghề phối hợp trường đại học mở 3 lớp có 341 học viên theo học. Trung tâm giáo dục thường xuyên đã mở được 25 lớp, số học viên theo học là 856 học viên, trong đó có 139 con em thuộc dân tộc thiểu số, kết quả lên lớp đạt 95%, tốt nghiệp THPT đạt 85%. Ngoài ra tổ chức các lớp nâng cao trình độ tin học, tiếng Anh, dạy nghề phổ thông được 372 học viên.
Kết quả cụ thể chương trình Phổ cập giáo dục (PCGD) và xóa mù chữ đến năm 2016: PCGD Mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt chuẩn quốc gia; Kết quả Xóa mù chữ đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Kết quả PCGD Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Kết quả PCGD trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên theo quy định; Kết quả PCGD trung học phổ thông: thị xã Phước Long chưa đạt phổ cập giáo dục trung học phổ thông năm 2016.
Đến cuối năm 2016, có 7/7 xã, phường có tổ chức Hội, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy chế ở 72 chi, tổ hội khu dân cư và 55 chi hội Khuyến học khối cơ quan đơn vị và 7 trung tâm học tập cộng đồng. Nhiều người có tâm huyết với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Điển hình có ông Hoàng Kim Thởi - phường Long Phước, ông Đinh Văn - phường Long Thủy, bà Huỳnh Thị Minh Tuyết - phường Sơn Giang, Đại Đức Thích Minh Thức trụ trì chùa Phước Sơn.
Trong thời gian qua, các cấp hội đã vận động nhân dân và các nhà hảo tâm tham gia xây dựng quỹ hội để chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài phát huy mọi nguồn lực với nhiều hình thức phong phú. Vận động cán bộ, công chức ủng hộ 1 ngày lương, vận động mua vé số khuyến học, liên hoan văn nghệ tiếp bước cho em đến trường… Tính đến năm 2016 đạt 6 tỷ 448 triệu đồng để chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài. Tổ chức trao học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó để tiếp tục tới trường và các thầy cô tiêu biểu trong phong trào dạy tốt, học tốt, đạt 5,4 tỷ đồng. Các trường trên địa bàn thị xã tổ chức tốt Ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường, vận động các em bỏ học trở lại trường.
Lễ Khai giảng năm học mới 2016 – 2017, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, phường Long Thủy
Phát huy kết quả của phong trào hiếu học trong gia đình, dòng họ và cộng đồng khuyến học. Ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 251 và Kế hoạch 135 ngày 14/7/2014 của UBND tỉnh, UBND thị xã xây dựng kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 22/08/2014 về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 và tổ chức triển khai xuống cơ sở xã, phường về tiêu chí công nhận gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập giai đoạn 2014-2016. Tổ chức thí điểm cấp thị xã chọn phường Thác Mơ, phường Phước Bình; các xã, phường còn lại chọn 2 khu dân cư và 10 hộ gia đình thí điểm. Rút kinh nghiệm để hết năm 2017 triển khai toàn bộ 7 xã, phường và 42 khu dân cư, kết quả đã có 130 hộ gia đình, 28 khu dân cư, 2 dòng họ đã đạt tiêu chí gia đình, dòng họ, khu dân cư học tập.
Bên cạnh những mặt làm được vẫn tồn tại một số hạn chế như: Sự phối hợp và tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng nhiều nơi còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự có hiệu quả. Hầu hết người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng xã hội học tập (XHHT), bước chuyển từ nhận thức đến hành động vẫn còn chậm, hiệu quả xây dựng XHHT ở một số địa phương chưa cao.Trung tâm học tập cộng đồng ở một số xã, phường hoạt động còn hạn chế về nội dung chương trình, nhiều xã-phường còn có nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như trong tổ chức phương thức học tập, chưa phát huy được hết hiệu quả.
Nguyên nhân còn tồn tại những hạn chế này là do: một số ít cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và Nhân dân chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài ở cơ sở phần lớn là kiêm nhiệm hay bán chuyên trách nên thời gian dành cho hoạt động chưa được nhiều. Chế độ chính sách còn nhiều hạn chế.
Qua 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thị xã đã thực sự phát triển sâu, rộng và đem lại hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội làm công tác khuyến học, khuyến tài; tổ chức và hoạt động của hội khuyến học từ thị xã đến cơ sở đã đi vào nề nếp, có chất lượng; phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học được đẩy mạnh, các mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển đa dạng; các chi hội khuyến học phát triển và hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, không ngại khó khăn tuyên truyền, vận động, phát triển sự nghiệp khuyến học. Những hoạt động đó góp phần khơi dậy lòng yêu nghề của thầy, tinh thần ham học của trò, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi ngành quan tâm hơn đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tác giả: Mỹ Trinh
Nguồn: TU Phước Long
Ý kiến bạn đọc