1022

Những nội dung mới chủ yếu được bổ sung, sửa đổi trong quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

Thứ ba - 30/01/2018 10:05 1.697 0
Quy định 102 của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm ban hành ngày 15/11/2017 được xây dựng trên cơ sở kế thừa nộ dung còn phù hợp của Quy định 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Những nội dung mới chủ yếu được bổ sung, sửa đổi trong Quy định 102-QĐ/TW như sau.
Một là, Về quy định chung (chương I): Nguyên tắc xử lý kỷ luật (điều 2) bổ sung khoản 11: “11- Không được luân chuyển, bổ nhiệm, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật”.
Nội dung này đã được nêu trong hướng dẫn của UBKT Trung ương, nay thành quy định của Bộ Chính trị để yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện; ngăn chặn việc đề bạt, bổ nhiệm đối với đảng viên đã kết luận có vi phạm đang bị xem xét, kỷ luật.
Hai là, Về thời hiệu xử lý kỷ luật (bổ sung mới Điều 3): Theo Điều 35, quy định số 30-QĐ/TƯ của BCHTW về thi hành Chương VII, Chương VIII, Điều lệ Đảng quy định : “Thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thực hiện theo quy định của Bộ chính trị”. Hiện nay, thời hiệu xử lý hình sự, xử lý hành chính đã được luật quy định. Tuy nhiên, kỷ luật đảng phải thể hiện được tinh thần sau: Yêu cầu xử lý vi phạm đối với đảng viên phải cao hơn đối với công dân, do vậy thời hiệu xử lý kỷ luật đảng phải dài hơn so với thời hiệu xử lý kỷ luật về hành chính.
Đối với đảng viên vi phạm đến mức không còn tư cách đảng viên, như: kỷ luật bằng hình thức khai trừ và những vi phạm về chính trị nội bộ, về an ninh quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp, vi phạm đó xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào thì không thể đủ tư cách đảng viên, không xác định có thời hiệu xử lý. Do vậy, Quy định như sau:
 “ 1-Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.
a)Thời hiệu xử lý kỷ luật về đảng được quy định như sau:
- 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
-10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
b)Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại điểm a khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới.
2-Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp”.
Ba là, Giải thích từ ngữ (Điều 6): Về phân loại mức độ hậu quả vi phạm xác định như sau:
a)“Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
b) “Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất , mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
c)“Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất , mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân,làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
Bổ sung một điểm mới (điểm d) về “ Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” như sau: “Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất , mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây phẫn nộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất tư cách của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác”.
Bốn là, Vi phạm về chính trị và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng (Chương 2). Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ (Điều 7). Tại điều này tên điều được thay cụm từ “lịch sử chính trị” bằng cụm từ “chính trị nội bộ” phù hợp với thực tế.
+ Bổ sung điểm d khoản 1 (kỷ luật khiển trách), nội dung như sau: “Không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân và bổ sung lý lịch đảng viên”. Bổ sung nội dung này theo Quy định 47-QĐ/TƯ của BCHTW về những điều đảng viên không được làm.
+ Sửa đổi, bổ sung Điểm b và điểm đ khoản 3 (kỷ luật khai trừ) cho phù hợp với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, như sau: Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “ đa nguyên, đa đảng”. Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động tổ chức, tập hợp lực lượng để  chống phá Đảng và Nhà nước.
+ Bổ sung thêm 04 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào khoản 3, Điều 7 của Quy định như sau:
 g) Kích động tư tuởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dung và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
h) Tác động lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng.
i)Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; “đòi phi chính trị hóa” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng và an ninh nhân dân.
k)Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học- nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Năm là, Vi phạm nguyên tác tập trung dân chủ (Điều 8):
+Bổ sung điểm đ, khoản 1 (kỷ luật khiển trách), như sau:
“ đ)Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
+Bổ sung các điểm d, đ, e, g, h, i  Khoản 2 (kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức), để cụ thể hóa, làm rõ hơn các dạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và những biểu hiện nêu trong NQTW4 khóa XII, như sau:
d) Cục bộ, bè phái, độc đoán chuyên quyền trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
đ)Ban hành văn bản hoặc có việc làm trái với Nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng.
e) Lợi dụng tập trung dân chủ để vận động cá nhân, chi phối tập thể, quyết định theo ý chí chủ quan làm lợi cho cá nhân, người thân, phe nhóm, dòng họ.
g) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trấn áp cấp dưới, trù dập người có ý kiến thuộc về thiểu số hoặc trái với ý kiến của mình.
h) Không chấp hành các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.
i) Cố ý nói và làm trái nghị quyết, quyết định, kết luận đã được tập thể thống nhất thông qua.
Sáu là, Vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn (Điều 10):
+Bổ sung điểm d Khoản 1 (kỷ luật khiển trách) như sau: “ d)Không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật”.
+Bổ sung Điểm d, Khoản 2 (Kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức) như sau: “ d) Cung cấp thông tin nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại và trật tự an toàn xã hội”.
Bổ sung những nội dung trên nhằm thực hiện quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng.
Bảy là, Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ (Điều 11):
+Bổ sung điểm g, khoản 1 (kỷ luật khiển trách) như sau:
 “ g) Làm mất thẻ đảng viên không có lý do chính đáng hoặc sử dụng thể đảng viên sau mục đích; thực hiện không đúng quy định về chuyển sinh hoạt đảng của đảng viên hoặc nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng không đúng quy định; không thực hiện viết phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng của đảng viên”. Bổ sung quy định trên vì trong thời gian qua công tác quản lý đảng viên đã xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm như: sử dụng thẻ đảng viên sai mục đích; không thực hiện việc huyển sinh hoạt đảng, nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng theo quy định.
+Bổ sung các điểm g, h,i, k khoản 2 (Kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức) như sau:
g) Cố ý tham mưu cho cấp trên quyết định hoặc cho ý kiến về công tác tổ chức, cán bộ không đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục, thẩm quyền, tiêu chuẩn.
h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn người đứng đầu để quyết định không đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền về công tác tổ chức, cán bộ.
i) Thiếu trung thực, gương mẫu, biết mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách để các cơ quan chức năng tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu bầu, ứng cử, khen thưởng đối với mình trái quy định.
k) Thiếu trách nhiệm hoặc do động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ, đảng viên, tài liệu hồ sơ của tổ chức đảng thuộc trách nhiệm quản lý; cung cấp hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên cho người không có trách nhiệm biết trái quy định.
+Bổ sung điểm d, đ vào khoản 3 ( kỷ luật khai trừ) nội dung sau:
d) Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức.
đ) Dùng thẻ đảng viên để vay tiền hoặc tài sản”.
Tám là, Vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước (chương 3). Vi phạm trong công tác phòng chống tội phạm (điều 13).
+Bổ sung điểm i, khoản 2 (kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức) như sau:
i) Cố ý tham mưu việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc tạm giữ, tạm giam người trái quy định của pháp luật”.
+Bổ sung điểm g, khoản 3 (kỷ luật khai trừ) như sau:
g) Cố ý không quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến hết thời hiệu xử lý vụ việc vi phạm hoặc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trái quy định của pháp luật”.
Bổ sung nội dung quy định trên để phù hợp với quy định của Nhà nước về xử lý đối với cán bộ các cơ quan tư pháp trong thực thi công vụ.
Chín là, Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Điều 16):
+ Bổ sung các điểm b, c, d, đ, khoản 1 (kỷ luật khiển trách) như sau:
b)Không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tài sản, thu nhập thuộc trách nhiệm được giao hoặc không kê khai, kê khai tài sản không đúng quy định.
c) Buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách nhưng không chủ động phát hiện, xử lý.
d) Tổ chức đi du lịch, tặng quà để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi cho bản thân hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia.
đ) Tổ chức việc giao lưu, liên hoan, gặp mặt để tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi.
Bổ sung nội dung quy định trên theo nhận diện biểu hiện thứ 3 và thứ sáu suy thoái về đạo đức, lối sống trong NQTW4 khóa XII.
+ Sửa lại điểm d, khoản 3 (kỷ luật khai trừ) như sau: “d) Cố ý không chỉ đạo và tổ chức thực hiện thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.
+ Bổ sung các điểm e, g, khoản 3 (kỷ luật khai trừ), như sau:
“ e) Cố ý chỉ đạo xử lý hành chính, kinh tế đối với hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm hoặc cho miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật đối với người phạm tội tham nhũng.
g) Lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để làm trái quy định, trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng”.
Bổ sung nội dung trên theo nhận diện thứ 7 suy thoái về đạo đức, lối sống trong NQTW4 khóa XII. Theo Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đồng thời xử lý các vi phạm về kê khai tài sản theo Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Quy định 85-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản và Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Mười là, Vi phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (Điều 18).
+Bổ sung điểm i khoản 2, (kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức) như sau:
“ i) Thiếu trách nhiệm trong công tác thanh tra, giám sát ngân hàng gây hậu quả nghiêm trọng”.
+Bổ sung điểm e khoản 3, (kỷ luật khai trừ) như sau:
e) Chỉ đạo hoặc thông đồng với cấp dưới lập hồ sơ, chứng từ khống để chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân”.
Mười một là, Vi phạm trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội (điều 20):
+Bổ sung điểm d khoản 1, (kỷ luật khiển trách), như sau:
d) Xác nhận không đúng để bản thân hoặc người khác hưởng chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi với người có công”.
Mười hai là, Vi phạm về quản lý cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ (Điều 22):
+Bổ sung điểm i khoản 2,(kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức) như sau:
e) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình để sử dụng trong việc tuyển dụng, đi học, thi nâng ngạch, bổ nhiệm, bầu cử hoặc các mục đích trái quy định”.
Mười ba là, Vi phạm về chế độ trách nhiệm, đạo đức, lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo (Chương 4): Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành (Điều 29).
Bổ sung điểm e, khoản 1 (kỷ luật khiển trách) như sau: “ e) Có trách nhiệm nhưng né tránh, không kiểm tra, xem xét, xử lý khi phát hiện đảng viên thuộc diện quản lý vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Mời bốn là, Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ  (Điều 30). Tại điều này tên điều được thay cụm từ “được giao” bằng cụm từ “công vụ” cho phù hợp thực tế.
+ Bổ sung các điểm d và đ, e, khoản 1 (kỷ luật khiển trách) như sau:
“ d) Thiếu trách nhiệm dẫn đến thực thi nhiệm vụ, công cụ không đúng quy trình, thủ tục, thời hạn quy định gây hậu quả cho cá nhân, tổ chức.
đ) Không báo cáo cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong tổ chức, đơn vị.
e) Yêu cầu tổ chức, công dân thực hiện các thủ tục hành chính không đúng quy định”.
+ Bổ sung các điểm d, đ, e, g, khoản 2 (kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức) như sau:
d) Quản lý và sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân để vụ lợi.
đ) Trốn tránh trách nhiệm về những hậu quả do mình gây ra trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
e) Tạo vây cánh, bè phái, nhóm lợi ích, chia rẽ, lôi kéo, mất đoàn kết với đồng nghiệp trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.
g) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn sử dụng thông tin, tài liệu, phương tiện liên quan đến thực thi công vụ để vụ lợi hoặc làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cơ quan, đơn vị”.
Bổ sung những nội dung trên nhằm xử lý các vi phạm trên thực tế về đạo đức công vụ của đảng viên trong cơ quan hành chính nhà nước, góp phần vào cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
Mười lăm là, Vi phạm về tệ nạn xã hội (Điều 30): Bổ sung điểm đ, khoản 2 (cảnh cáo hoặc cách chức), như sau:
đ) Biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con cùng sống trong gia đình sử dụng, sản xuất, tàng trữ, mau bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Điểm a, khoản 3 (kỷ luật khai trừ) quy định 181 quy định : “a) Đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức”. Qua sơ kết, việc thực hiện quy định này cho thấy, kỷ luật khai trừ đối với mọi trường hợp có hành vi đánh bạc chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự là quá nặng. Do vậy, Quy định 102 quy định lại cho phù hợp ở mức kỷ luật khai trừ như sau:
đ) Chủ mưu, khởi xướng, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức hoặc đã bị xử lý về hành vi đánh bạc nhưng tiếp tục tái phạm”. Đối với hành vi tham gia đánh bạc được quy định xử lý kỷ luật bằng hình thức (cảnh cáo hoặc cách chức) ở điểm a, khoản 2, điều này.
Ngoài các nộ dung trên, Quy định còn sử đổi, bổ sung một số cụm từ hoặc gộp một số khoản có sự trùng lắp về nội dung cho phù hợp với thực tế hiện nay./.
Tác giả: Thanh Huyền
Nguồn: UBKTTW

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây