Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, từ năm 2005 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị với chủ trương, quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh cần phải được thể chế hóa như: Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”.
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng; tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; việc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; xây dựng Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bình đẳng giới; việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005 trên phạm vi cả nước, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều kiến nghị sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005, vì đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.
Thứ tư, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai; ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống. Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng năm 2005 tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng năm 2018 là cần thiết./.
Tác giả: Thanh Huyền
Nguồn: Cục PKKQ