Các kỹ sư, công nhân nhà máy X50 của Tổng công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) khẩn trương sửa chữa tàu kiểm ngư 951 - con tàu bị đâm nặng nhất hôm 23-6, khi làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ở Hoàng Sa - Ảnh: Xuân Vinh |
Những con tàu cảnh sát biển, kiểm ngư từ Hoàng Sa trở về cầu cảng Nhà máy đóng tàu X50 mang trên mình nham nhở “vết thương” nặng sau những cú va đâm tàn bạo của tàu Trung Quốc. Với sự quyết tâm không ngừng nghỉ của hàng trăm kỹ sư, công nhân, những mũi hàn, ánh điện luôn lóe sáng suốt ngày đêm tại X50.
Lòng đau như cắt
Sau 55 ngày đêm bám biển ngăn cản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, tối 29-6 “người hùng KN 951” đã về tới Đà Nẵng. Con tàu hàng trăm tấn bị biến dạng, mạn tàu hư hỏng nặng, phòng tắm, nhà vệ sinh cũng bị xé toạc. Nhìn thân tàu bị gãy đổ, hàng lan can giập nát gãy dồn về một góc, công nhân Nguyễn Văn Phi xót xa: “Mỗi lần nhìn tàu mang thương tích trở về, anh em lại thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Mỗi con tàu đối với chúng tôi đều như những đứa con, hư hỏng chừng nào là đau đớn, xót xa chừng ấy”.
Suốt hai tháng nay, mỗi lần có thông tin các tàu thực thi pháp luật cập cảng để sửa chữa, anh em tại X50 đều chạy ùa ra cầu tàu để mong ngóng, hồi hộp. Nhìn những con tàu bị móp méo mà lòng họ cứ sôi lên như lửa đốt. Chính vì thế, họ chuyền tay nhau những ánh đèn xuyên đêm, hay những giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống giữa trưa hè oi bức với mong muốn sớm đưa con tàu trở lại Hoàng Sa.
Sáng 30-6, một cơn mưa bất chợt đổ ào như trút nước, tốp công nhân Nhà máy X50 năm người ướt sũng đang sửa chữa lan can tàu kiểm ngư 951. Công nhân tên Linh nói đầy vẻ quyết tâm: “Đã tự hứa với chính mình là phải xong phần này trong buổi sáng để chiều còn làm việc khác”. Ở phía cuối cầu tàu, tàu kiểm ngư 768 cũng đang hoàn tất những công việc sửa chữa cuối cùng, chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Ăn vội miếng “cơm bụi” để dồn sức cho công việc - Ảnh: Hữu Khá |
Gác việc nhà, dồn sức sửa tàu
Suốt hai tháng qua, anh Đào Xuân Lan - công nhân phân xưởng vỏ - phải nhờ hàng xóm đưa đón con đến trường. Nhà cách xưởng chỉ một con đường nhưng kể từ khi biển Hoàng Sa dậy sóng, anh cũng như hàng trăm công nhân nơi đây dành thời gian ở cầu cảng để sửa tàu nhiều hơn ở nhà. “5g sáng ra khỏi nhà đến hơn 10g đêm mới về. Có khi 4-5 ngày liền không nói chuyện với con. Nhưng không sao, mình không thể vì bản thân mà làm lỡ nhịp cả con tàu được” - anh Lan nói.
Việc phân chia công việc cũng được triển khai hết sức nhanh chóng và thuần thục. Vì thế, tàu cập cảng còn tròng trành sóng dập đã thoáng thấy ánh lửa lóe lên ở bên trên. Các công nhân nhanh chóng bước lên tàu, chia ra tốp lo phần cắt, tốp lo phần hàn rồi thay thế các thiết bị hư hỏng. “Chúng tôi đã tham gia đóng, sửa chữa hàng trăm con tàu tại đây nhưng công việc gần hai tháng nay mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Mỗi con tàu đều mang một trọng trách cao cả khi ra khơi làm nhiệm vụ. Anh em chúng tôi chỉ mong đóng góp chút trí tuệ, sức lực cho nhiệm vụ chung của đất nước” - công nhân Lê Đức Hạnh chia sẻ.
Hì hục thu dọn đống xà bần, sắt thép ngổn ngang, ông Nguyễn Văn Trọng - công nhân sửa chữa tàu KN 951 - lau vội những giọt mồ hôi trên trán rồi tươi cười nói: “Chưa bao giờ anh em làm việc hối hả như lúc này. Dù ngày hay đêm, trời mưa hay nắng, tất cả đều chung một quyết tâm, đó là hoàn thành càng sớm càng tốt công việc được giao. Bởi ai cũng biết rõ thời gian giờ đây là rất quý giá”. Dù đã bước sang tuổi 58 nhưng ông Trọng vẫn hăng hái đăng ký làm hai ca như những anh em công nhân khác. “Chúng tôi không bao giờ thấy mệt mỏi, cũng không cảm thấy phiền lòng khi công việc càng lúc càng bận rộn” - ông Trọng trầm ngâm.
Ánh lửa hàn sửa tàu lóe sáng suốt ngày đêm - Ảnh: Hữu Khá |
Từ 3 tháng còn 5 ngày
Để tiết kiệm thời gian, nơi cầu cảng Nhà máy X50 một lán trại dã chiến được dựng lên phục vụ công tác sửa chữa tàu. Đây cũng là chỗ để anh em công nhân, kỹ sư “ăn cơm bụi” buổi trưa hoặc trao đổi nhanh công việc khi cần thiết.
Anh Hà Đăng Minh, cán bộ an toàn lao động, tâm sự: “Là người ở hậu phương, mỗi lần nhìn những con tàu từ Hoàng Sa trở về bị Trung Quốc đâm rách toạc, lòng chúng tôi đau nhói. Lúc ấy trong đầu chúng tôi chỉ ý thức làm sao để những con tàu bị hư hỏng có thể lành lặn tiếp tục ra Hoàng Sa. Và toàn thể anh em mỗi người mỗi nhiệm vụ từ khảo sát, thiết kế, sửa chữa lao vào công việc với tinh thần khẩn trương nhất”. Anh Minh nói cứ mỗi lúc có tàu bị hư hỏng vào nhận được lệnh là đội ngũ sửa tàu có mặt ngay. Có lúc tàu vào đêm tối, cán bộ kỹ sư cũng phải có mặt để tiến hành khảo sát, thiết kế cho kịp ngày mai đưa vào cảng sửa chữa. Từ vật tư thiết bị đến con người luôn trong tư thế sẵn sàng với phương châm “Thiết bị, công nhân chờ tàu chứ không để tàu chờ người, thiết bị”.
Anh Minh kể tất cả mọi người ai cũng dồn hết tâm lực cho việc sửa chữa. Giờ đây bữa ăn cũng được anh em rút ngắn để tiết kiệm thời gian, có lúc anh em “ăn cơm bụi” ngay tại trại dã chiến hoặc thu xếp ăn ngay trên tàu để tiếp tục công việc. Mỗi bữa ăn cũng chỉ kéo dài độ 30 phút, còn chuyện nghỉ ngơi chẳng ai màng đến, cứ lo cho công việc hoàn thành càng nhanh càng tốt. Chỉ về hướng con tàu KN 951 bị hư hỏng nặng sau cú đâm ác ý, tàn bạo của tàu Trung Quốc, anh Minh nói với vẻ quyết tâm: “Hôm trước con tàu 951 trở về lúc đêm tối, nhìn tàu hư hỏng ai cũng thấy đau đớn, phẫn nộ. Đứng trước con tàu ai cũng bày tỏ quyết tâm “chữa” vết thương cho tàu một cách nhanh nhất để kịp trở lại Hoàng Sa. Thế là ngay trong đêm bộ phận khảo sát, thiết kế đã đo vẽ đánh giá hiện trạng con tàu. Và đúng 6g30 sáng hôm sau, tất cả bộ phận vào cuộc”.
Anh Minh cho biết bình thường một con tàu bị hư hỏng như KN 951 thì thời gian sửa chữa phải mất đến ba tháng. Còn bây giờ mọi người đã dồn hết sức lực, trí tuệ, thiết bị nên chỉ cần độ năm ngày là xong và tàu có thể tiếp tục tiến ra khơi bảo vệ chủ quyền.
(Báo tuổi trẻ)
Ý kiến bạn đọc