Phước Long là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang. Phát huy truyền thống anh hùng, từ “tro tàn, đổ nát của chiến tranh”, đến nay Phước Long đã trở thành thị xã có tốc độ phát triển kinh tế khá cao so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Phước và khu vực Đông Nam bộ. Kết quả đó đã khẳng định quá trình phấn đấu bền bỉ, kiên cường, vượt qua bao khó khăn, không ngừng vững bước đi lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phước Long trong suốt 50 năm qua.
Sau ngày giải phóng, đứng trước muôn vàn khó khăn như: Kinh tế - xã hội của địa phương nghèo nàn, lạc hậu, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, số người mù chữ còn nhiều; cơ sở hạ tầng bị tàn phá, giao thông chủ yếu là đường đất sỏi đỏ; sản xuất chưa kịp khôi phục, kinh tế thuần nông, phương thức sản xuất thô sơ, lạc hậu, nạn đói giáp hạt đe dọa, đời sống của Nhân dân rất khó khăn; tình hình an ninh trật tự hết sức phức tạp; đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là cấp xã vừa thiếu về số lượng vừa yếu về kinh nghiệm quản lý điều hành, chưa chuyển biến kịp thời theo yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới...
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phước Long vừa phát huy những thuận lợi vừa khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, thực hiện công cuộc khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm nhu cầu thiết yếu trong đời sống Nhân dân. Tổ chức cứu đói cho đồng bào, giáo dục cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, quản lý công sở. Các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng giải phóng đã hăng hái khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, tăng gia sản xuất, trồng tỉa cây lương thực, hoa màu. Ruộng đất cơ bản thuộc về nông dân, một số hộ tham gia vào tổ vần đổi công, việc phân chia ruộng đất, nương rẫy thực hiện thuận lợi và nhanh chóng. Diện tích canh tác được mở rộng từ 15.955 ha (năm 1976) lên 23.255 ha (năm 1977), đến năm 1979 Phước Long cơ bản tự túc được lương thực, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 650 kg/năm. Thắng lợi này đã giải quyết cơ bản lương thực cho người dân địa phương mà trước đây chế độ Sài Gòn phải nhập gạo từ nơi khác đến, nạn thiếu đói giáp hạt của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện một bước.
Hệ thống giáo dục dần được thiết lập từ huyện đến xã. Ngoài các cấp học phổ thông tại huyện, xã còn có các lớp bổ túc văn hóa, trường mẫu giáo. Công tác xóa mù chữ từ cuối năm 1977 đã tập trung hàng trăm cán bộ, giáo viên về xã, ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xóa mù chữ cho nhân dân. Số lượng học sinh tăng nhanh, từ hơn 10.000 trong năm 1977, đã tăng lên 16.000 học sinh trong năm 1979. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong những năm đầu giải phóng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ở huyện có bệnh viện, mỗi xã có trạm xá, nhà hộ sinh; đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ sinh... ngày càng được tăng cường.
Tiếp nối những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, Phước Long đã từng bước chuyển mình, quyết định những vấn đề trọng tâm để xây dựng và phát triển địa phương. Đến nay, sau nhiều lần chia tách địa giới hành chính, ngày 11/8/2009, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, thị xã Phước Long chính thức được thành lập. Trải qua 15 năm thành lập, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân Phước Long đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những thuận lợi, tiềm năng của địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật: giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng năm 2024 ước đạt 38.467 tỷ đồng, tăng 13,48% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 114,24% so với chỉ tiêu Nghị quyết; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2024 ước đạt 10.534 tỷ đồng, tăng 10,03% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 113,98% so với chỉ tiêu Nghị quyết; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt 942 tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 102,94% so với chỉ tiêu Nghị quyết; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hết năm 2024 là 221 tỷ 503 triệu đồng, đạt 104% so với dự toán điều chỉnh UBND tỉnh giao và đạt 101,4% so với dự toán điều chỉnh thị xã giao. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, toàn thị xã hiện có 18/23 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,26%. Công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai thực hiện tốt; đến cuối năm 2024, thị xã cơ bản xóa được hộ nghèo.
Điểm nhấn ở Phước Long là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là vận động thực hành tiết kiệm “Vì người nghèo” được Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân thị xã duy trì thực hiện tốt. Các phong trào, cuộc vận động được duy trì và đẩy mạnh, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, có sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Nhiều công trình như: điện chiếu sáng, đường giao thông nông thôn, xây dựng hội trường khu phố và nhiều công trình phục vụ dân sinh đã được nhân dân đóng góp nhiều tỷ đồng để xây dựng, tạo nên mỹ quan đô thị và là điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Thị xã luôn thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn. Ngày 2-9-2018, thị xã khánh thành Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long trên cơ sở nâng cấp Nhà truyền thống. Công trình không những có giá trị lịch sử sâu sắc về chiến thắng Phước Long mà còn là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. An ninh trật tự được tăng cường và huy động được sức mạnh toàn dân. Từ đó tạo môi trường, điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số đạt được kết quả tích cực: Phước Long được xếp thứ 2/11 huyện, thị, thành phố về kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2023; là địa phương nhiều năm liền đứng trong nhóm đầu bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý nhà nước được thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường thực hiện hệ thống văn bản điện tử, qua đó việc tiếp nhận và xử lý văn bản đảm bảo kịp thời.
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, đặc biệt là quá trình 15 năm xây dựng và phát triển. Phước Long vẫn đang tăng tốc không ngừng nghỉ để sớm trở thành đô thị loại III và là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh Bình Phước.
Tác giả: Minh Trang - Ngọc Nhật / Trung tâm VH-TT và Đài TT-TH thị xã
1 góc thị xã Phước Long sau ngày giải phóng – ảnh tư liệu Bảo tàng chiến dịch đường 14 Phước Long
Đô thị Phước Long hôm nay