1022

Luật tố cáo năm 2018 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, với 9 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019 bổ sung nhiều quy định mới đáng chú ý.

Thứ ba - 11/09/2018 10:26 692 0
Luật tố cáo năm 2018 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, với 9 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019 bổ sung nhiều quy định mới đáng chú ý.
 Thứ nhất, Bổ sung quy định “thụ lý tố cáo”
 Trình tự giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 28 Luật tố cáo 2018 bao gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Trong đó, quy định “tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo” đã được sửa đổi thành “tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo”.
Giai đoạn “thụ lý tố cáo” được bổ sung như sau: Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi: tố cáo được thực hiện theo quy định; người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo; nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, bằng chứng để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.
Quyết định thụ lý tố cáo phải bao gồm các nội dung: Ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; nội dung tố cáo  được thụ lý; thời hạn giải quyết tố cáo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.
 Thứ hai, Giảm thời hạn giải quyết tố cáo: Không quá 30 ngày
Trong Luật tố cáo năm 2018, thời hạn giải quyết tố cáo giảm từ 60 ngày như hiện hành (luật tố cáo năm 2011) xuống còn không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
 Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức có liên quan. Quốc hội giao Chính phủ sẽ quy định chi tiết về thời hạn giải quyết tố cáo.
 Liên quan đến kết luận nội dung tố cáo, Luật  tố cáo năm 2018 đã bổ sung quy định, phải có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.
Luật tố cáo năm 2018 quy định rõ thời gian xử lý tố cáo. Theo đó, chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, căn cứ nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tiến hành xử lý tố cáo.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xử lý và thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý.
 Ba là, Bổ sung nội dung “người tố cáo có quyền rút tố cáo”
Luật tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của luật này.
Trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo (trừ trường hợp được quy định trong luật). Nếu cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan thì người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo.
 Nếu có nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật tố cáo năm 2018. Khi đã rút tố cáo, người tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
  Bốn là, Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo trên cổng thông tin điện tử
 Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau đây: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
 Ngoài các hình thức trên, luật bổ sung thêm hình thức “đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”.
Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không làm tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.
  Năm là,  Bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức
Theo Luật tố cáo năm 2018,  trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.
 Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
 Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì, giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Luật tố cáo năm 2018 quy định rõ, người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc các trường hợp trên thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.
 Người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
Tác giả: Thanh Huyền
Nguồn: Thanh tra

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

hien ke
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây