Ngày 28/6/2016 tại Hội trường Nhà Khách thị xã, thị xã Phước Long tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất về Nhà tù Bà Rá. Hội thảo đã vinh dự đón tiếp 150 đại biểu đại diện đến từ các sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước, Phòng Khoa học Quân sự Quân Khu 7, Lãnh đạo và một số phòng, ban của Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2, Ban giám hiệu và Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH và Nhân văn T.P Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn thư lưu trữ Văn phòng phía Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Lãnh đạo Phòng Lịch sử; Lãnh đạo tỉnh Bến Tre; Các cơ quan thông tấn báo chí về đưa tin. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy Phước Long. Các đồng chí nguyên Thường vụ Huyện, Thị ủy đang sinh sống trên địa bàn và Lãnh đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể thị xã, Đảng uỷ, UBND các xã, phường.
Đây là hội thảo khoa học với ý nghĩa làm sáng tỏ truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Phước Long, Bình Phước từ khi có Đảng đến Cách mạng tháng Tám. Làm rõ những giá trị lịch sử cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng chống chế độ lao tù ở Bà Rá trong thời kỳ 1930-1945, góp phần vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Nam kỳ nói chung, Bình Phước nói riêng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Xác định rõ cơ sở khoa học cho việc phục dựng di tích nhà tù Bà Rá trong tổng thể di tích lịch sử văn hóa ở Phước Long, hình thành hệ thống địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Trường Đại học KHXH &NV. TP.HCM trình bày ttham luận tại hội thảo.
Nội dung khoa học của Hội thảo với chủ đề : “Đấu tranh chống chế độ lao tù ở Bà Rá (giai đoạn 1930 – 1945)”; Bối cảnh lịch sử và việc xây dựng nhà tù/Trại lao động đặc biệt ở Bà Rá; Chế độ lao tù và đấu tranh của tù nhân (trước 8/1945); Phát huy giá trị truyền thống đấu tranh ở Bà Rá – Phước Long.
Được biết, từ tháng 3 đến tháng 5/2016, nội dung khoa học và Kế hoạch Hội thảo đã được triển khai thực hiện đồng bộ; đặc biệt là khoa Lịch sử của Trường Đại học KHXH và NV.TP.HCM đã xây dựng kế hoạch nội dung khoa học của chủ đề hội thảo gồm hàng chục vấn đề nghiên cứu, đã tiến hành điều tra khảo sát thực địa, đã mời các nhà khoa học các cơ quan khoa học, các nhà chuyên môn sưu tập, nghiên cứu các vấn đề xoay quanh chủ đề hệ thống nhà tù ở Bà Rá và cuộc đấu tranh của tù nhân trong thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945.
Đến nay hội thảo đã nhận được 45 bài báo cáo, bài viết của gần 50 nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên môn của các PGS, TS, ThS và nhiều người nghiên cứu, giảng dạy, quản lý chuyên môn từ các cơ quan khoa học như: Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Văn hóa, Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, Cục Công tác phía Nam của Bộ Văn hóa – TT & DL, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý di tích Sở Văn hóa tỉnh Bình Phước, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thị ủy Phước Long, Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Tài chính Thị xã Phước Long, ,… đã dành nhiều tâm huyết cho bài viết. Qua thẩm định của Khoa Lịch sử và Ban Tuyên giáo Thị ủy. Ban tổ chức hội thảo chọn, đưa vào tập tài liệu Hội thảo khoa học 39 bài. Những tài liệu phục vụ tại Hội thảo là nguồn tư liệu quý, phong phú, nhiều nguồn, nhiều góc độ, nhiều nội dung và hình thức thể hiện; song cũng cần tiếp tục đối chiếu so sánh thẩm định để tăng thêm giá trị khoa học và cung cấp luận điểm luận cứ cho nghiên cứu tham khảo phục vụ lãnh đạo và quản lý, quy hoạch và bổ sung vào các bộ lịch sử.
Đ/c Nguyễn Hoàng Thái, Tỉnh ủy viên –Bí thư Thị ủy thay mặt chủ trì hội thảo khẳng định việc tổ chức hội thảo là hết sức cần thiết, thông qua hội thảo này đã tập trung làm rõ 2 nội dung chính, đó là khẳng định giá trị di tích lịch sử cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Bà Rá. Đồng chí Bí thư đã cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đ/c đại biểu, các nhà nghiên cứu về các giải pháp vấn đề nhà tù Bá Rá trong lịch sử Phước Long. Đây là căn cứ quan trọng để thị xã từng bước xác nhận cơ sở dữ liệu khoa học để di tích nhà tù Bà Rá được phục dựng trở thành địa chỉ Đỏ cho hoạt động về nguồn, nơi giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cũng là nơi kết nối các di tích điểm đến du lịch trong quần thể di tích của thị xã Phước Long nói riêng và tỉnh Bình Phước, Đông Nam bộ nói chung. Là động lực quan trọng để thị xã Phước Long Phát triển trong tương lai.
Các đ/c Lãnh đạo thị xã trao đổi với các đại biểu tại khu trưng bày triển lãm, hình ảnh
Qua đây, Đảng bộ thị xã Phước Long đang rất cần sự chung tay góp sức của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý và toàn xã hội để việc phục dựng di tích Nhà tù Bá Rá trở thành vùng tham quan du lịch sinh thái –Lịch sử - Văn hóa – chiến trường xưa, nơi hành hương hấp dẫn của tỉnh Bình phước và đồng bào cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thị xã Phước Long./.
Tác giả: Minh Thùy
Nguồn: Ban tuyên giáo thị ủy
Ý kiến bạn đọc